Nhóm thiện nguyện “Sài Gòn tử tế" trên phố đi bộ - Ảnh: Quang Định
Tôi không định hình đây sẽ là nhóm hoạt động từ thiện hay chuyên làm từ thiện.
Chúng tôi chẳng có thành viên nòng cốt, không kiểu hội nhóm nhưng khi có việc, mọi người chỉ cần ới nhau một tiếng là tụ lại" - Nguyễn Văn Luận (quê Bình Phước), một trong những người sáng lập dự án, nói chân tình.
Tấm thiệp sẻ chia kêu gọi giúp người lao động
Cho đi được nhiều hơn là nhận
Chính mong muốn được làm điều tử tế như sợi dây vô hình nối kết họ lại cùng nhau giữa TP.HCM. Đoàn Kiều Khánh Ái (Cần Thơ) một lần đến uống cà phê ở Touch Sài Gòn, nghe về những dự án nhóm đã làm, thế là tham gia.
Với Võ Thị Trúc My (Bến Tre) là trải nghiệm khó quên từ cú sốc - trầm cảm sau tai nạn hồi năm nhất đại học. Một bạn sinh viên người Sài Gòn tình cờ gặp trong Mùa hè xanh đã chia sẻ, tâm tình. "Bạn đã dành thời gian tâm tình để kéo mình ra khỏi cuộc khủng hoảng. Mình muốn trở thành tử tế như bạn nên gặp dự án, mình tham gia liền" - My nói.
Tặng hoa cho công nhân vệ sinh TP.HCM và gửi đi thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh: Q.NG.
Đặng Quỳnh Phương, cô gái quê Phú Yên, thành viên nhóm từ thiện Nốt lặng, biết đến "Sài Gòn tử tế" khi chuẩn bị chuyến về với vùng bão lũ miền Trung tháng 11-2020.
Những tấm thiệp sẻ chia mà "Sài Gòn tử tế" phát hành giữa những đợt bão lũ dồn dập đã cùng đóng góp kinh phí. "Từ kết nối này, chúng tôi tiếp tục đồng hành với nhau trong chuyến đi Bình Phước sắp tới. Mọi khảo sát đã xong, chúng tôi sẽ tặng 2 giếng khoan, quà cho 360 học sinh, trao học bổng, xe đạp cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn" - Quỳnh Phương hào hứng kể.
Và còn nhiều người khác nữa. Họ gặp nhau, không ràng buộc, có chăng chỉ là cùng say mê làm những việc có ích cho cộng đồng. Hồi dịch COVID-19 bùng lên tháng 4 năm ngoái, các bạn phát hành tấm thiệp chia sẻ. Dự định 500 thiệp ban đầu đã thành gần 600 thiệp.
Trẻ em vùng lũ miền Trung với niềm vui khi được nhận quà - Ảnh: V.LUẬN
Hạt mầm tử tế
Nguyễn Hồng Việt - chủ cửa hàng hoa tươi - chia sẻ "Sài Gòn tử tế" như điểm gặp nhau của những tấm lòng cùng muốn làm điều có ích cho cộng đồng. Đó cũng là lý do Việt cùng "Sài Gòn tử tế" thường xuyên tặng hoa cho nhiều anh chị lao công, như một cách động viên tinh thần những người đã âm thầm làm đẹp cho thành phố.
"Những đóa hoa được trao tận tay mỗi anh chị, để nói với họ rằng họ đáng được trân trọng với công việc hằng ngày của mình. Rồi chính mỗi anh chị lao công lại gửi đi thông điệp trên từng tấm bảng, là lời nhắn gửi với mọi người về ý thức giữ gìn môi trường để thành phố ngày càng sạch, đẹp hơn" .
Để "nuôi" dự án lâu dài, Nguyễn Văn Luận kinh doanh quán cà phê Touch Saigon. "Nhưng dự án muốn duy trì dài lâu cần có kinh phí, tụi mình trích một phần lợi nhuận của quán để "nuôi" Sài Gòn tử tế bên cạnh sự hỗ trợ của nhiều tấm lòng vàng với mỗi chương trình cụ thể mà chúng tôi kêu gọi" - Luận bộc bạch.
Từ tấm thiệp sẻ chia, dự án "Sài Gòn tử tế" đi tìm và tặng quà cho người bán vé số, mua ve chai ở nhiều nơi của TP.HCM khi dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: Q.NG.
Góc cà phê pha giữa nét xưa cũ của Sài Gòn với nhịp hiện đại của TP.HCM hôm nay. Luận nói khi chọn tên "Sài Gòn tử tế", chẳng phải gợi lại điều gì xưa cũ, chỉ là cái tên vốn quen thuộc mà nhắc đến ai cũng biết.
Ngay trước quán có đặt chiếc máy bơm, bạn chẳng cần uống cà phê, lỡ đi đường mà bánh xe bị non hơi cứ ghé vào, sẽ có người bơm bánh xe miễn phí. Ở đó còn có cây cột nhỏ với nhiều bảng chỉ đường nho nhỏ cho ai "hổng rành đường" tìm được hướng đi xung quanh đấy.
"Sài Gòn tử tế" trong các bạn còn chở theo sự kỳ vọng lớn hơn: "Thương hiệu "Sài Gòn tử tế" nhân rộng, đi xa để cả Việt Nam mang thương hiệu tử tế".