Cà Mau tạo bước đột phá trong cải cách hành chính

2 năm trước 374

Những năm qua, bằng sự quyết tâm, năng động của cả hệ thống chính trị, Cà Mau triển khai nhiều giải pháp cải thiện hiệu quả công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại nhiều "nút thắt" dẫn đến công tác cải cách hành chính của tỉnh còn chậm so với nhiều địa phương khác trong cả nước. 

Chú thích ảnhChuyên viên Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau hướng dẫn người dân cách thức giao dịch và kiểm tra ngay trên điện thoại di động. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Biến thách thức thành cơ hội

2021 là năm đầy thách thức khi mọi mặt của đời sống đều chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Song, Cà Mau xác định đây là cơ hội để công tác cải cách hành chính có những bước tiến quan trọng, đẩy nhanh hơn lộ trình số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính.

Để khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau (Trung tâm) đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên các nền tảng ZOA (Zalo Official Account). Với ứng dụng này, người dùng có thể tra cứu và nộp hồ sơ trực tuyến; đánh giá chất lượng phục vụ của cá nhân, tổ chức đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ tiếp nhận và trả kết quả; tiếp nhận tin tức nổi bật, thông báo khẩn cấp, thông tin cần biết, chủ trương, chính sách mới, số liệu, báo cáo, thống kê, thanh toán trực tuyến...

Ông Nguyễn Minh Thắng, ngụ Phường 6, thành phố Cà Mau chia sẻ, trước đây, để giải quyết thủ tục hành chính người dân mất khá nhiều thời gian. Do đó, khi tiếp cận hình thức này, đa phần người dân đều cảm thấy rất tiện lợi. Bởi không chỉ thủ tục đơn giản mà kể cả khi ở nhà, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến một cách nhanh chóng. Kết quả được trả đến tận nhà qua các dịch vụ bưu chính. Cần giải đáp thắc mắc hồ sơ có tổng đài dịch vụ công hỗ trợ. Mọi thứ đang dần trở nên đơn giản, rất tiện lợi.

Để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Trung tâm tích hợp công khai 346/346 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt 100%) xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố về số lượng dịch vụ công đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, trên 1.900 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, địa phương được đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia về Cổng Dịch vụ công tỉnh. Tỉnh triển khai hiệu quả mô hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức 4 tại chỗ “Tiếp nhận - Thẩm định - Phê duyệt - Trả kết quả tại chỗ”…

Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau cho biết, năm vừa qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến các phương thức giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức truyền thống. Song đây cũng là cơ hội để người dân, doanh nghiệp dần làm quen với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận hồ sơ trực tuyến. Ðiều mà trước đây chưa thể thực hiện do chưa thay đổi được thói quen của người dân.

“Có thể nói, năm qua là một năm đột phá khi có nhiều dịch vụ, ứng dụng được triển khai thực hiện nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh cũng như số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị ngày càng được cải thiện. Nhờ vậy, trung tâm luôn nhận được sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện giao dịch giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm cũng như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh”, ông Hồ Chí Linh đánh giá.

Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau thông tin, năm 2021, tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đa số các nhiệm vụ cải cách hành chính vẫn được triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ. Trong đại dịch, chính quyền các cấp luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Kết quả, tỉnh có 5/8 lĩnh vực tăng điểm và tăng vị trí xếp hạng, đặc biệt là điểm số của tỉnh được cải thiện so với năm 2020 (tăng 2,12%).

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Cà Mau xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 11 hạng so với năm 2020), xếp thứ 7/13 (tăng 1 bậc) so với các tỉnh, thành  phố trong khu vực và nằm trong các tỉnh, thành phố thuộc nhóm điều hành khá trên bản đồ PCI cả nước. Với kết quả này, đánh dấu 6 năm liên tục PCI của tỉnh có những chuyển biến tích cực về thứ hạng so với các tỉnh, thành phố cả nước và 3 năm liên tục chuyển biến tích cực về thứ hạng so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Cần Thơ, khẳng định, chỉ số cải cách hành chính của Cà Mau đạt nhiều thành tựu lớn, tỉnh đi đầu hình thành Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả này tiếp tục ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các cấp, ngành trong triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ. Đặc biệt, sự năng động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo điều hành và chỉ đạo kịp thời đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian qua...

“Cà Mau đã có sự thay đổi rất nhanh, mạnh mẽ, có những bước tiến liên tục qua nhiều năm. Địa phương đang đứng đầu cả nước về thời gian đăng ký kinh doanh. Tính minh bạch tăng 32 bậc trong năm vừa qua và là địa phương được đánh giá cao về chỉ số đất đai, ít có sự nhũng nhiễu với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Phương Lam phân tích.

Nhận diện các "nút thắt"

Thực tế, dù chỉ số cải cách hành chính của Cà Mau đã tăng 2,12% nhưng lại giảm đến 5 bậc so với năm 2020, qua đây, có thể thấy, công tác cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện nhưng còn chậm so với các tỉnh bạn, còn 46 tiêu chí, tiêu chí thành phần tỉnh thực hiện chưa đạt yêu cầu, trong đó có 6 tiêu chí bị điểm 0.

Cụ thể, trong 8 lĩnh vực thuộc tiêu chí chấm điểm của chỉ số cải cách hành chính năm 2021, tỉnh Cà Mau có 5 lĩnh vực tăng chỉ số và tăng vị trí xếp hạng, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính. Một lĩnh vực tăng chỉ số nhưng giảm vị trí xếp hạng (công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức); hai lĩnh vực vừa giảm chỉ số vừa giảm vị trí xếp hạng (gồm cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước; tác động của cải cách hành chính đến sự hài lòng của người dân và phát triển kinh tế - xã hội).

UBND tỉnh Cà Mau phân tích, nguyên nhân do năm 2021, địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước dẫn tới nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính chưa đạt như kế hoạch đề ra. Cụ thể là công tác kiểm tra nhiệm vụ phân cấp; tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới; tỷ lệ GRDP của tỉnh; việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Hội đồng nhân dân tỉnh giao... Ngoài ra, do thực hiện giãn cách xã hội nên đa số yêu cầu của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính không được giải quyết kịp thời, thậm chí có thủ tục không thực hiện được, ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Để công tác cải cách hành chính của địa phương đạt hiệu quả hơn nữa, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, Cà Mau cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng các chỉ số PCI. Song song đó, địa phương cần phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, đồng thời quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về các thủ tục như thuế, đất đai, cấp phép kinh doanh... Một yếu tố khác đó là phải tăng tính minh bạch môi trường đầu tư, tiếp tục duy trì hiệu quả, nâng cao các chương trình đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh cũng như phát triển kinh tế địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nhìn nhận, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính là đặc biệt quan trọng. Theo đó, người đứng đầu phải có tư duy đổi mới, mạnh dạn thí điểm những vấn đề thực tiễn đặt ra, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

“Tại các cơ quan nhà nước, người đứng đầu không chỉ chủ động đổi mới phương thức sao cho có hiệu quả, nâng cao năng suất lao động mà đồng thời phải tăng cường kết nối giữa chính quyền địa phương với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ngoài ra thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức; tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nêu gợi ý, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau cho rằng, mục tiêu cuối cùng của cải cách hành chính là để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, vì vậy phải có sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, để cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt yêu cầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt nhiệm vụ cải cách hành chính dẫn đến chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh bị trừ điểm trong năm 2021 phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, có giải pháp khắc phục, xử lý ngay, đảm bảo các tiêu chí này phải được cải thiện trong năm 2022. Cùng với đó là thực hiện nghiêm kế hoạch cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 của tỉnh...

Nguồn bài viết