Cà Mau chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai

1 năm trước 120
Chú thích ảnhĐê biển Tây Cà Mau luôn đặt trong tình trạng báo động mỗi khi bước vào mùa mưa bão. Ảnh tư liệu: Huỳnh Anh/TTXVN

Cà Mau là tỉnh có 3 mặt giáp biển, với đường bờ biển dài 254 km trải rộng từ Đông sang Tây. Tỉnh hiện có 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển, đây là những địa phương thường xuyên gánh chịu sự ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra.

Nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố Cà Mau chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả khi có xảy ra thiên tai.  

Các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, nắm sát tình hình thời tiết, chủ động chỉ đạo, đôn đốc, triển khai công tác theo nhiệm vụ, địa bàn được phân công, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai; nâng cao tính sẵn sàng của các lực lượng phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến thông tin cho người dân về các biện pháp cơ bản ứng phó với các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn như chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão, chủ động trong sản xuất… Qua đó, giúp người dân nâng cao sự hiểu biết về phòng, chống thiên tai và chủ động trong sản xuất, bảo vệ diện tích sản xuất để giảm thấp nhất thiệt hại.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục rà soát, chủ động các phương án bố trí, di dời các hộ dân ở những vùng ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân; đồng thời có giải pháp bảo vệ công trình đê biển cũng như ứng phó kịp thời với tình huống sạt lở bờ sông, bờ biển. 

Liên quan đến sạt lở bờ biển Tây Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí khoảng 413 tỷ đồng để tỉnh chủ động triển khai đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ an toàn tuyến đê biển Tây. Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất Trung ương xem xét đầu tư nâng cấp đê biển Tây Cà Mau từ đê cấp IV lên đê cấp III để phù hợp thực tế địa phương.

Từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng nước biển dâng, mưa dông kèm lốc xoáy xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm thiệt hại tài sản trị giá gần 36 tỷ đồng.

Nguồn bài viết