Danh phụ mẹ chăm sóc bà nội bị bệnh tâm thần - Ảnh: LÊ TRUNG
Tôi không muốn thằng Danh lỡ giấc mơ giảng đường như anh nó. Tôi sẽ tiếp tục vay mượn, bằng mọi giá phải cho con đi học.
Bà VÕ THỊ LOAN (mẹ Danh)
Công từ bỏ giảng đường, làm công nhân lo cho Thành và Danh đi học. Thành vừa tốt nghiệp đại học, mọi thứ sắp vui bỗng dưng chợt tắt khi đôi mắt cứ mờ dần. Giờ chỉ còn Danh mà đường đến giảng đường sao chông chênh quá.
Nỗi đau người mẹ
Ngôi nhà của Ngô Văn Danh nằm lọt thỏm giữa rừng keo ở thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam). Bà Võ Thị Loan - mẹ Danh - nằm thở dốc dù mới 48 tuổi. Bà muốn làm chỗ dựa cho con nhưng lại thành gánh nặng bởi căn bệnh tim bẩm sinh. 28,1 điểm khối A00, Danh vừa đỗ ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng khiến bà vui mà lòng nặng trĩu.
Sáu năm trước, cậu con trai đầu đậu ngành dược sĩ Trường ĐH Kỹ thuật y dược Đà Nẵng. Niềm vui ấy cũng ngắn ngủi vì sau đó không lâu người cha phát hiện bị ung thư. Một năm gồng gánh bệnh viện đã đẩy gia đình vào cảnh khánh kiệt nhưng cũng không cứu được cha. Bà nội nay 82 tuổi, bị tâm thần.
Nhà nhìn đâu cũng thấy người bệnh. Ấy cũng là lý do mà cậu con trai thứ Ngô Văn Công đã gạt nước mắt cất giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Nông Lâm Huế đi làm công nhân hồi năm 2017. "Nó chọn dừng lại bởi anh và em trai còn đang học, chấp nhận gồng gánh gia đình chứ mình tui lo chi xuể, đau đớn lắm" - bà Loan khóc.
Chồng mất, khoảng trống ấy mênh mông như vô tận nhưng bà gắng gượng, nặng nhọc với gánh đậu hũ dạo kiếm đồng ra đồng vào phụ với lương công nhân của Công để lo cho cả nhà. Ngày Thành tốt nghiệp đại học, ngỡ mọi việc dễ thở hơn nhưng người mẹ ấy lại lao vào cuộc chiến mới. Thành bị đục thủy tinh thể, ánh sáng cứ tối dần dù đã ngược xuôi vào TP.HCM với hy vọng cứu lấy đôi mắt của Thành.
Mỗi lần anh hai đi Sài Gòn chữa mắt, Danh lại khăn gói vào cùng để tiện săn sóc, đem theo sách vở vừa lo cho anh vừa học. Mọi hy vọng đường học vấn dồn hết vào cậu con trai út, cũng là giữ lời hứa "ráng cho thằng Danh học tới nơi tới chốn". "Nhưng tôi giờ đuối quá" - bà Loan nói, hướng mắt về phía bàn thờ chồng.
Ngô Văn Danh xin vào phụ quán cà phê kiếm tiền nhập học - Ảnh: LÊ TRUNG
Chỉ cần được bước vào giảng đường, mình sẽ tranh thủ làm thêm kiếm tiền tự trang trải, chia sẻ gánh nặng với gia đình.
NGÔ VĂN DANH
Nửa ước mơ đã thành, nửa còn lại... bỏ ngỏ
Danh đủ lớn để hiểu cái khốn cùng của gia đình mình, nhưng cậu không muốn bỏ học bởi đó cũng là lời hứa cuộc đời với ba. Vì lời hứa ấy mà cậu quyết tâm học và tự tin chọn xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Đậu đại học là nửa ước mơ đã thành sự thật, nhưng nửa còn lại, Danh thấy chông chênh quá.
Danh kể anh Công đã để dành khoản tiền học phí nhập học nhưng đã dùng hết vào chữa mắt cho anh Thành. Sổ đỏ giờ cũng đang ở ngân hàng, cộng với tiền vay mượn hàng xóm nữa, khoản nợ đến nay đã gần 150 triệu đồng. "Nhận giấy báo trúng tuyển rồi không biết sẽ thế nào vì khoản tiền đó là quá sức với gia đình mình lúc này", Danh bỏ lửng câu nói.
Cậu muốn trở thành lập trình viên, rồi đi làm, kiếm được thiệt nhiều tiền lo cho mẹ, bà nội. Cái lối nghĩ có phần trẻ con mà rất thực ấy giúp chàng trai trẻ hiểu rằng chỉ có học mới mong tìm lối thoát cho mình và gia đình. Vì biết giữa thấu hiểu và thực tế nó khá xa xôi, nên cậu nói sẽ tìm cách.
Vì có phép màu đâu mà chờ, nên Danh đã xin vào làm ở quán cà phê tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Danh tính tiền công mỗi ca 70.000 đồng, ngày tranh thủ một, hai ca thì tháng cũng dành dụm được gần 2 triệu đồng, cố đến ngày nhập học chắc cũng có chút trang trải bước đầu.
Bà Loan nói sẽ tiếp tục vay mượn, nhưng hỏi tính mượn ở đâu thì bà im lặng. Công càng hiểu mẹ, cậu cố trấn an rằng ít hôm nữa có lương, mượn thêm bạn bè chỗ làm chắc tạm đủ cho thằng Danh vào trường. Hơn ai hết, chàng trai từng nát lòng rời bỏ giấc mơ giảng đường là người muốn cậu út phải vào đại học hơn bất kỳ ai trong nhà.
"Thấy bạn bè đi học, mình chạnh lòng lắm. Danh không thể giống tôi được. Nó học giỏi lắm. Tôi sẽ gắng làm lo cho Danh ăn học tới cùng" - Công chia sẻ.
Chờ vòng tay yêu thương
Thành cầm bằng tốt nghiệp dược sĩ cả năm qua nhưng có làm được gì với thị lực như vậy. Đang trọ một mình để điều trị tại TP.HCM, qua điện thoại, giọng Thành rưng rưng: "Mới phẫu thuật xong, giờ ở đây chờ tái khám, tiếp tục điều trị. Biết là khó khôi phục hoàn toàn nhưng cũng cầu mong trị lành, có đôi mắt khỏe đi làm kiếm tiền nuôi thằng Danh".
Cô Cao Thị Lành (giáo viên chủ nhiệm của Danh lớp 10, 11) kể thấy học trò thương quá đã lên mạng kêu gọi và được mấy học trò cũ của cô cùng góp được gần 8 triệu đồng giúp Danh vào TP.HCM lo cho anh trai.
Từ hồi Danh học lớp 10, cô Lành đã xin học bổng, vận động phụ huynh giúp Danh. "Nhưng sắp tới vào giảng đường sẽ tốn kém rất nhiều, mong những cánh tay chìa ra với cậu học trò này để em tiếp tục nuôi ước mơ của mình" - cô Lành tâm sự.
Truy cập https://tiepsuc.tuoitre.vn đăng ký học bổng
Báo Tuổi Trẻ vẫn đang tiếp nhận đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2022. Vui lòng truy cập https://tiepsuc.tuoitre.vn, làm theo hướng dẫn để giới thiệu và đăng ký hồ sơ.
Mùa Tiếp sức đến trường thứ 20, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh thành đoàn cả nước tìm kiếm và dự kiến trao 1.000 suất học bổng (trị giá hơn 15 tỉ đồng) hoặc có thể nhiều hơn cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi học bổng 15 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Tính đến nay, học bổng Tiếp sức đến trường đã giúp 22.370 tân sinh viên không dang dở ước mơ giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Q.L.