Cuộc đua ra mắt ô tô điện và những trở ngại của hạ tầng trạm sạc

2 năm trước 172
Chú thích ảnhCác trụ sạc xe điện của VinFast được bố trí dưới hầm gửi xe của một tòa văn phòng.

Cuộc đua trong phân khúc ô tô điện

Tại thị trường ô tô điện Việt Nam, ngoại trừ VinFast đầu tư bài bản cho sản xuất, láp ráp xe điện và  đầu tư hệ thống trạm sạc phủ khắp 63 tỉnh thành trong cả nước, các doanh nghiệp khác cũng đã đưa xe điện về giới thiệu, nhưng chủ yếu để thăm dò thị trường chứ chưa có hãng nào có kế hoạch sản xuất, phân phối số lượng lớn ra thị trường.

Cụ thể, khoảng hơn một năm nay, có ít nhất 6 hãng xe giới thiệu xe điện tại thị trường Việt Nam. Ông Andreas Klingler, Tổng giám đốc Porsche Việt Nam cho biết, Porsche lạc quan về triển vọng phát triển xe điện tại Việt Nam, hãng đã ra mắt mẫu xe thể thao thuần điện Taycan và được giao đến các chủ nhân đầu tiên tại Việt Nam từ tháng 4/2021. Khách hàng Taycan được hưởng những ưu đãi độc quyền từ Porsche Việt Nam, gồm chương trình kiểm tra điều kiện sạc tại nhà được thực hiện không tính phí, được cung cấp bộ thiết bị sạc tại nhà và sử dụng trạm sạc nhanh tại trung tâm Porsche hoàn toàn miễn phí trong một năm đầu tiên.

Tiếp đó, vào khoảng tháng 5/2021, chiếc ô tô điện Jaguar i-Pace đầu tiên đã về Việt Nam thông qua con đường nhập khẩu chính hãng và thuộc sở hữu của Đại sứ quán Anh. Ngay sau đó, đại diện của nhà phân phối Jaguar tại Việt Nam cũng đã xác nhận sẽ phân phối mẫu xe ô tô điện này trong năm 2022.

Với hãng xe Việt VinFast, ngày 25/12/2021, VinFast đã tổ chức lễ xuất xưởng và bàn giao lô xe ô tô điện VF e34 đầu tiên ở nhà máy VinFast (Hải Phòng) cho khách hàng.

Hay, đầu năm 2022, chiếc ô tô điện KIA EV6 đầu tiên xuất hiện tại khu phức hợp Chu Lai khiến nhiều người tin rằng ngày ra mắt của mẫu ôtô điện này không còn xa. Theo tiết lộ trước đó của của Thaco, KIA EV6 sẽ được ra mắt vào khoảng quý II/2022. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm chip và linh kiện toàn cầu nên kế hoạch bán hàng được dời lại cuối năm nay.

Không dừng lại ở cuộc chơi, ngày 26/4/2022, Tập đoàn Thành Công (TC Group) và Hyundai Motor cũng giới thiệu xe điện IONIQ 5 với mục tiêu mang lại trải nghiệm sớm cho khách hàng và thị trường. TC Group cho biết, sau khi chào bán IONIQ 5, hãng sẽ mở bán tiếp mẫu xe điện IONIQ 6 và IONIQ 7 trong thời gian tới.

Cùng ngày, Mercedes-Benz Việt Nam cũng công bố sẽ chính thức giới thiệu xe điện  Mercedes-EQ đến thị trường trong nước. Ông Brad Kelly, Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, Mercedes-Benz EQS sẽ chính thức được trình làng tại Triển lãm Ô tô Việt Nam vào tháng 10 và bắt đầu bàn giao tới khách hàng vào khoảng cuối năm nay, đánh dấu bước đi đầu tiên của MBV gia nhập vào thị trường xe điện Việt Nam…

Qua đó có thể thấy, những dấu hiệu phân khúc xe ô tô điện tại Việt Nam sẽ rất nhộn nhịp trong tương lai gần. Đặc biệt, phân khúc ô tô điện ngày càng hấp dẫn hơn khi giá xăng dầu liên tục lập kỷ lục mới và theo xu hướng điện hóa toàn cầu.

Khó khăn trong phát triển trạm sạc

Mặc dù vậy, các chuyên gia trong ngành cho rằng, gần đây nhiều hãng đua nhau ra mắt ô tô điện, nhưng chủ yếu mới chỉ thăm dò thị trường chứ chưa mạnh dạn đầu tư rộng cho trạm sạc. Đây cũng là lý do khiến người tiêu dùng muốn mua xe cũng chưa thể yên tâm về nguồn sạc điện thuận tiện. Đặc biệt, hạ tầng trạm sạc ô tô điện đang là vấn đề nóng không chỉ với Việt Nam mà cả những nước muốn phát triển ô tô điện.

Tại Việt Nam hiện nay, hầu hết các trạm sạc đã được lắp đặt đều là của VinFast. Theo bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc phát triển trạm sạc pin VinFast, song song với việc phát triển phương tiện, VinFast cũng đã quy hoạch 2.121 vị trí trạm sạc trên 63 tỉnh thành với trên 2.000 trạm sạc cho gần 40.000 cổng sạc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn châu Âu.

Các trạm sạc đa dạng, gồm sạc thường ô tô AC 11kW, sạc nhanh ô tô DC 30kW và 60kW, trụ sạc siêu nhanh ô tô DC 250kW và sạc xe máy AC 1,2kW. Các trạm sạc VinFast có mặt ở các chung cư, cây xăng, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, trường học… cho khách hàng yên tâm di chuyển trên các cung đường. Bên cạnh đó, VinFast còn cung cấp giải pháp sạc tại nhà cho khách bằng bộ thiết bị chuyển đổi điện chuyên dụng.

Ngoài ra, VinFast cũng đang kêu gọi các đối tác là cá nhân, doanh nghiệp có mặt bằng phù hợp để hợp tác với VinFast lắp đặt và khai thác trạm sạc xe điện (cùng kinh doanh trạm sạc xe điện).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các trạm sạc, VinFast đang gặp một số khó khăn như quy định pháp luật còn trống vì lĩnh vực này còn mới; chưa có quy hoạch hệ thống trạm sạc đồng bộ với hạ tầng lưới điện; hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật cũng chưa đủ rõ ràng, dẫn tới mỗi địa phương hiểu một kiểu, có nơi cởi mở thì ủng hộ, có nơi xin thủ tục còn khó khăn.

Ngoài ra, dù các trạm chiếm diện tích rất nhỏ và rất thuận lợi ở các bãi đỗ xe, nhưng ngay trong các khu đô thị, cư dân còn phản đối việc lắp trạm sạc do lo ngại bị chiếm mất chỗ để xe xăng; có những điểm có mặt bằng để lắp đặt trạm sạc, nhưng hệ thống lưới điện không đáp ứng được, phải kép đường dây từ những trạm xa, làm phát sinh chi phí…

Với vai trò là doanh nghiệp đi đầu và trải nghiệm nhiều khó khăn trong việc phát triển hạ tầng trạm sạc, VinFast kiến nghị với Chính phủ sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, đưa trạm sạc pin trở thành một hạng mục bắt buộc phải có trong hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng đô thị.

Đồng thời bổ sung trạm sạc pin, đổi pin cho các phương tiện chạy điện vào các hạng mục bắt buộc phải có tại trạm dừng nghỉ, công trình đường bộ, điểm đấu nối giao thông; bổ sung quy định về “Dịch vụ sạc pin”; đổi pin cho phương tiện chạy bằng điện là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) Hiroyuki Ueda cũng chia sẻ, mạng lưới trạm sạc là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định của người tiêu dùng trong việc chọn dòng xe điện.

Hiện tại, Việt Nam chưa có hạ tầng hệ thống trạm sạc, chưa có tiêu chuẩn cho trạm sạc và cũng chưa có nhà cung cấp trạm sạc trong khi trên thế giới hiện đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn trạm sạc khác nhau. Do vậy, trước mắt, Việt Nam cần có tiêu chuẩn cho trạm sạc và đảm bảo trạm sạc nhanh có thể sử dụng được cho xe điện của tất cả các thương hiệu, đáp ứng cho các dòng xe mà các hãng có thể cung cấp ra thị trường Việt Nam. Đồng thời cần có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất cung cấp trạm sạc.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, ngay trên thế giới không phải tất cả các loại xe điện và cổng cắm sạc đều được tạo ra giống nhau. Tiêu chuẩn các loại phích cắm vào cổng kết nối sạc thay đổi theo khu vực địa lý và mẫu xe. Do đó, việc phát triển hệ thống trạm sạc có thể đáp ứng nhu cầu sạc điện cho tất cả các loại xe điện có chuẩn sạc khác nhau cũng là một thách thức không nhỏ.

Nguồn bài viết