Cuộc sống an lành và trách nhiệm sẻ chia

3 năm trước 338
Cuộc sống an lành và trách nhiệm sẻ chia - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh Nguyễn Tu Mi (thứ hai từ phải) trao quà tặng cho đại diện Bệnh viện quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: Q.L.

"Tôi nghĩ ai trong mỗi chúng ta cũng có thể chung sức cùng xã hội để vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này bằng nhiều cách theo khả năng của mình. Là một doanh nhân, tôi cho rằng đây còn là trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng và là việc nên làm" - ông Nguyễn Tu Mi, chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh bày tỏ.

Góp sức cùng cộng đồng

Trong 2.000 bộ đồ bảo hộ cho người đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch, ông Nguyễn Tu Mi đại diện cho các hội viên của hội tặng 1.000 bộ cho Bệnh viện quận Bình Thạnh. 

1.000 bộ còn lại, hội nhờ chuyển đến lực lượng tham gia đội hình tình nguyện phòng chống dịch COVID-19 tại nhiều điểm nóng của thành phố, thông qua Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM.

Cùng với 1.000 bộ đồ bảo hộ còn có kinh phí để nấu 1.000 suất ăn tặng người nghèo. Tiếp nhận món quà ý nghĩa này, giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM Dương Ngọc Tuấn cho biết cá nhân ông Mi và Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh đã quá thân quen với các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của thanh niên thành phố nhiều năm qua.

Anh Tuấn cho biết số quà này sẽ chuyển đến ngay những nơi đang cần. Riêng suất ăn sẽ nấu mỗi ngày, ưu tiên tặng những người vô gia cư, sống lang thang ngoài đường, người lao động chịu nhiều ảnh hưởng của đợt dịch này. 

"Năm nào anh Tu Mi và các anh chị trong hội cũng góp sức với chúng tôi tặng quà trung thu cho trẻ em nghèo, hỗ trợ kinh phí chương trình Tổ ấm ngày xuân dành cho trẻ em mái ấm, nhà mở mồ côi, khuyết tật vào dịp tết mỗi năm" - anh Tuấn cho biết.

Hiện có khoảng 250 hội viên là đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn quận Bình Thạnh, tham gia sinh hoạt thường xuyên và tích cực với các hoạt động của hội. 

Có nhiều nhóm với các nhiệm vụ riêng khác nhau để cùng duy trì hoạt động hội. Họ gặp nhau định kỳ hằng tuần với những buổi cà phê để cùng nhau chia sẻ, giao lưu trong làm ăn, chỉ là giai đoạn dịch diễn biến phức tạp nên tạm hoãn việc gặp mặt này.

Ông Nguyễn Tu Mi cho biết các thành viên trong hội họp mặt hằng quý, tùy nhu cầu hội viên sẽ mời các chuyên gia chia sẻ chuyên đề về thuế, dinh dưỡng, cả vấn đề về tín ngưỡng, mê tín trong kinh doanh ở mỗi lần gặp. 

"Lần này cũng vậy, chúng tôi thông tin lên các nhóm khác nhau trong hội. Ai có khả năng bao nhiêu góp bấy nhiêu, xem đây là dịp để chúng tôi cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, một mảng ghép không thể thiếu trong hoạt động chung của hội" - ông Mi chia sẻ.

Mong cuộc sống an lành

Tại Bệnh viện quận Bình Thạnh, buổi tiếp nhận diễn ra gọn gàng ngay trước cổng bệnh viện. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Trung Đệ - giám đốc bệnh viện - cho biết bệnh viện đang cần các phương tiện phòng hộ cho bác sĩ, nhân viên phòng chống dịch khá lớn, trong khi kinh phí có hạn nên rất cần sự chung tay của nhiều nơi.

"Chúng tôi rất trân trọng sự đóng góp, ủng hộ của các cá nhân, đơn vị, trong đó có các doanh nghiệp quận nhà, thông qua đầu mối là Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh" - bác sĩ Đệ nói.

Gửi lời cảm ơn đến lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, ông Nguyễn Tu Mi cho biết các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, cũng chắt chiu từng đồng vượt qua thời dịch này nhưng chia sẻ với xã hội vẫn là việc nên làm. 

"Sự chia sẻ của chúng tôi nhỏ thôi, chỉ là góp một chút để bà con bớt vất vả, cùng nhau vượt qua khó khăn, mong cuộc sống an lành như khi chưa có dịch" - ông Mi bộc bạch.

Tự đóng cửa phòng dịch

Nhắc đến tiệm vàng Mi Hồng, có lẽ không chỉ người dân Bình Thạnh mà nhiều nơi ở TP.HCM không còn lạ gì với thương hiệu này. Công ty TNHH vàng Mi Hồng của ông Nguyễn Tu Mi đã có quá trình 32 năm hình thành và phát triển như hiện nay.

Dù không nằm trong diện phải tạm đóng cửa hoặc bị hạn chế hoạt động theo chỉ đạo phòng chống dịch của TP.HCM, song các tiệm vàng Mi Hồng đã tạm ngừng giao dịch nhiều ngày qua khi thành phố thực hiện giãn cách.

"Do lượng khách giao dịch mỗi ngày tương đối lớn, không muốn đơn vị của mình trở thành điểm không an toàn về phòng chống dịch nên tôi quyết định tạm đóng cửa thời điểm này dù vẫn đảm bảo trả lương cho nhân viên đầy đủ.

Khó thì khó chung, mình cũng ảnh hưởng nhiều nhưng cần nghĩ đến an toàn chung của thành phố trước đã" - ông Mi tâm sự.

Lập đội hình phản ứng nhanh lao vào tâm dịchLập đội hình phản ứng nhanh lao vào tâm dịch

TTO - Những đội hình phản ứng nhanh của thanh niên tình nguyện thuộc các cơ sở Đoàn những ngày qua đã đi vào tâm dịch tại Q.Gò Vấp và Q.12, Tân Phú... hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, cả ban ngày và ban đêm.

Nguồn bài viết