Cuộc chiến cước phí giữa ngân hàng với nhà mạng có đi đến hồi kết?

2 năm trước 213
Cuộc chiến cước phí giữa ngân hàng với nhà mạng có đi đến hồi kết? - Ảnh 1.

Mức thu phí tăng gấp 5-7 lần đã khiến nhiều người dùng bị sốc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên nhiều người dùng cho biết họ sẽ nhận thông báo số dư qua app chứ không đăng ký lại dịch vụ SMS Banking.  

Nhà mạng chịu "xuống nước" 

Ông Trần Duy Hải - phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông - cho biết các doanh nghiệp viễn thông di động vừa họp với ngân hàng thương mại về giá dịch vụ tin nhắn ngân hàng. 

Hai bên đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng gồm thuế giá trị gia tăng và không giới hạn số lượng tin nhắn khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. 

Ông Hải cũng cho biết mức phí này nhận được sự nhất trí từ các ngân hàng thương mại tham dự cuộc họp do được thu theo gói và mức phí này bằng với mức thu gói trước đó của ngân hàng với khách hàng. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại không phải đối soát với các doanh nghiệp viễn thông theo từng tin nhắn, dẫn đến phải ban hành nhiều gói cước như vừa qua.

"Theo tính toán sơ bộ, với việc áp dụng mức cước trọn gói này, trước mắt mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm doanh thu dịch vụ SMS Banking khoảng 20 - 30% tùy theo từng nhà mạng", ông Trần Duy Hải cho biết.

Như vậy sau hai năm với nhiều lần gửi kiến nghị nhưng nhà mạng vẫn im lặng, việc một số ngân hàng lớn trong đó có Vietcombank đã tăng phí SMS Banking lên ngang bằng với nhà mạng thu thay vì thu theo gói và bù lỗ như trước khiến người dùng bị sốc và hủy dịch vụ SMS Banking, chuyển sang nhận tin nhắn qua app, đến nay ngân hàng với nhà mạng mới ngồi lại để tính toán lại mức phí.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết mức phí 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) mới chỉ là đề xuất từ phía nhà mạng. Để thống nhất, nhà mạng và từng ngân hàng phải ngồi lại để bàn bạc cụ thể thời gian áp dụng cũng như các chi tiết cụ thể khác và ký thỏa thuận bằng văn bản. 

"Với cách tính cước theo gói này thì khách hàng sử dụng ít hay nhiều tin nhắn vẫn trả 11.000 đồng/tháng vì đã tính trọn gói. Tuy nhiên, để không mất phí, ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT. Khách hàng tự lựa chọn sử dụng dịch vụ nào thuận tiện cho mình", ông Hùng nói.

Ngân hàng nói vẫn cao

Cuộc chiến cước phí giữa ngân hàng với nhà mạng có đi đến hồi kết? - Ảnh 2.

Nhiều người đã hủy tin nhắn ngay sau khi bị tăng phí - Ảnh: A.H

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một nhà mạng cho biết sẽ thực hiện theo quyết định của Cục Viễn thông về thỏa thuận cước phí tin nhắn dịch vụ SMS Banking với các ngân hàng. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện và cụ thể chi tiết thì vẫn "đang chờ hướng dẫn" từ cơ quan chức năng.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại TP.HCM cho biết trước mắt ngân hàng sẽ phải ngồi lại với các nhà mạng để đàm phán lại mức cước chứ chưa thể áp dụng ngay mức 11.000 đồng/tháng mà nhà mạng đề xuất. 

Theo ông này, trên thực tế trong tháng có khách hàng nhận tin nhắn thông báo số dư nhiều, có khách hàng lại nhận ít và độ chênh khá lớn. Có người mỗi tháng chỉ nhận 1-2 tin nhắn. Trong khi xu hướng hiện nay là không tiền mặt và trả lương qua tài khoản. Do vậy nên nhà mạng đề xuất mức phí 11.000 đồng vẫn là cao.  

"Chưa kể hiện đang có xu hướng các ngân hàng chuyển dần sang gửi tin nhắn qua app bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ có ngân hàng đưa ra ngưỡng nếu giao dịch dưới 100.000 đồng thì ngân hàng chỉ gửi tin qua app hoặc thông báo qua email, hoặc cả hai. Do vậy nhà mạng cần giảm đơn giá tin nhắn hoặc nếu áp dụng gói cước đồng giá thì có vài gói khác nhau để lựa chọn chứ không duy nhất 1 gói", vị này đề nghị.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn khác tại TP.HCM cho hay hiện nay việc nhận tin nhắn biến động qua app đã phổ biến. Do vậy mới có chuyện Vietcombank tăng phí SMS Banking để khách hàng chuyển qua nhận tin app miễn phí hoàn toàn. Các ngân hàng cũng đang theo xu hướng này. 

Có thể dễ dàng nhận thấy vừa qua rất nhiều ngân hàng lớn đã có chính sách miễn phí giao dịch chuyển tiền trực tuyến dành cho tất cả khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking và ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng. Các tin nhắn qua app cũng miễn phí. 

Một số ngân hàng còn cho phép khách hàng không cần nhập mã xác thực giao dịch (OTP) cho những giao dịch có độ rủi ro thấp, giá trị nhỏ hơn 100.000 đồng hoặc chỉ gửi thông báo qua email, app.

"Do vậy càng ngày các ngân hàng sẽ giảm bớt phụ thuộc vào nhà mạng, và sẽ có lợi thế hơn khi thỏa thuận giá cước phí SMS Banking thay vì phải chịu mức cước cao chót vót như trước", vị lãnh đạo ngân hàng này nói.

Người dùng chuyển qua dùng app

Trong khi đó về phía người dùng, chị L.T.T.N. (Hà Nội) cho biết cuối tháng 2 nhận được email thông báo của VPB, nơi chị mở tài khoản, về việc miễn phí tin nhắn quản lý biến động số dư qua ứng dụng của ngân hàng này. Nếu vẫn nhận tin nhắn SMS thì phí là 12.000 đồng/tháng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

"Dù ngân hàng và nhà mạng có thống nhất mức phí tin nhắn SMS Banking xuống 11.000 đồng/tháng thì tôi cũng đã hủy dịch vụ này và chuyển sang nhận thông báo qua app của ngân hàng rồi. Vì thông báo biến động số dư và quản lý tài khoản qua app không mất phí mà cũng khá tiện lợi", chị N. nói.

Anh Thành Nam (quận 3, TP.HCM) cho hay vừa qua sau khi bị ngân hàng tăng phí SMS Banking lên mức 77.000 đồng trong kỳ thu phí tháng 1 đã hủy dịch vụ và chuyển sang dùng app. "Do điện thoại tôi khi nào cũng có mạng nên tôi thấy thông báo qua app cũng tiện lợi và tức thì, do vậy tôi sẽ không đăng ký lại dịch vụ SMS Banking", anh Thành Nam nói.

Phí tin nhắn ngân hàng tăng Phí tin nhắn ngân hàng tăng 'sốc' 55.000 - 77.000 đồng/tháng, người dùng than 'bị cắt cổ'

TTO - Nhiều người dùng dịch vụ tin nhắn thông báo số dư (SMS Banking) của Ngân hàng Vietcombank đã té ngửa khi bị trừ phí tháng 1-2022 với mức phí tăng gấp 5 - 7 lần so với tháng trước, có nhiều trường hợp bị thu 55.000 - 77.000 đồng/tháng.

Nguồn bài viết