Chuyên gia Mỹ Anthony Fauci thông báo ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Mỹ ngày 1-12 - Ảnh: REUTERS
Ngày 1-12, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo nước này ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở bang California. Người bệnh là du khách trở về từ Nam Phi và đã tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ. Người này trở về Mỹ từ ngày 22-11 và có kết quả xét nghiệm dương tính 7 ngày sau đó với các triệu chứng bệnh nhẹ.
Hãng tin Reuters dẫn lời nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cho biết ca nhiễm nói trên đã được cách ly và những người tiếp xúc với gần với bệnh nhân đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
"Chúng tôi đã biết rằng sự xuất hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Mỹ chỉ là vấn đề thời gian", ông Fauci nói.
Trước đó, CDC cũng cho biết các quan chức Mỹ đang chuẩn bị cho kế hoạch yêu cầu du khách quốc tế nhập cảnh vào nước này phải xét nghiệm COVID-19 trong vòng một ngày trước khi khởi hành, dù đã tiêm hay chưa tiêm ngừa.
Theo quy định hiện tại, người đã tiêm ngừa đầy đủ chỉ cần xét nghiệm trong vòng 3 ngày. Cơ quan này cũng cho biết đang "cân nhắc về việc xét nghiệm bổ sung sau khi hạ cánh và tự cách ly"
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến đưa ra kế hoạch phòng chống COVID-19 của Mỹ cho mùa đông vào ngày 2-12.
Người đi mua sắm trên đường phố ở Ireland ngày 30-11 - Ảnh: REUTERS
Tại châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nghĩ đến việc bắt buộc tiêm ngừa COVID-19 để đối phó với biến thể Omicron. Theo bà von der Leyen, hiện vẫn còn 150 triệu dân ở EU chưa tiêm ngừa vì nhiều lý do.
Đến nay, một số nước châu Âu đã đi theo hướng này. Áo mới đây tuyên bố sẽ bắt buộc người dân tiêm ngừa từ ngày 1-2-2022 trong khi thủ tướng tương lai của Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này có thể áp đặt quy định bắt buộc tiêm vắc xin từ tháng 2-2022. Theo báo Guardian, các nhà làm luật Hy Lạp cũng vừa thông qua quy định buộc người trên 60 tuổi phải tiêm ngừa COVID-19.
Một trung tâm tiêm ngừa COVID-19 ở Nice, Pháp, ngày 1-12 - Ảnh: REUTERS
WHO kêu gọi các nước tiếp tục ưu tiên việc tiêm ngừa COVID-19 cho những người chưa tiêm thay vì tập trung vào việc tiêm bổ sung.
"Trên phương diện toàn cầu, chúng ta đang trong tình trạng 'độc hại hỗn hợp' giữa tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp và tỷ lệ xét nghiệm rất thấp. Đây là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển các biến thể mới", tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Trong khi đó, hãng dược Moderna nói rằng có thể hoàn thành thử nghiệm và nộp đơn xin cấp phép tại Mỹ đối với vắc xin dành riêng cho biến thể Omicron vào tháng 3-2022.
Nói với Reuters, chủ tịch Stephen Hoge của Moderna khẳng định liều bổ sung được thiết kế riêng là cách nhanh nhất để đối phó với biến thể mới này. Ngoài ra, hãng dược này cũng đang nghiên cứu một loại vắc xin có khả năng ngăn được nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm Omicron.