COVID-19 thế giới ngày 18-11: Mỹ thúc đẩy sản xuất vắc xin, châu Âu siết chặt biện pháp phòng dịch

2 năm trước 179
 Mỹ thúc đẩy sản xuất vắc xin, châu Âu siết chặt biện pháp phòng dịch - Ảnh 1.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang khi đi ngang qua một nhà hàng vắng bóng người ở Brussels, Bỉ - Ảnh: AP

Theo báo Guardian, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tính đầu tư hàng tỉ USD thúc đẩy sản xuất vắc xin tại nước này để sản xuất ít nhất 1 tỉ liều mỗi năm.

Nỗ lực của Washington nhằm tăng nguồn cung vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo hơn, đồng thời nhằm ngăn chặn đại dịch trong tương lai. Theo Hãng tin Reuters, quá trình sản xuất các vắc xin công nghệ mRNA sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2022.

 Mỹ thúc đẩy sản xuất vắc xin, châu Âu siết chặt biện pháp phòng dịch - Ảnh 2.

Nhân viên nhà hàng kiểm tra tình trạng COVID-19 của thực khách tại thủ đô Berlin, Đức - Ảnh: EPA

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tình hình dịch bệnh tại nước này đang rất gay cấn. Đồng thời kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm chủng trước cuộc họp với các lãnh đạo liên bang và khu vực nhằm thống nhất các biện pháp kiểm soát đợt bùng dịch thứ 4 ở Đức.

Ngày 17-11, Đức ghi nhận 52.826 ca mắc mới trong 24 giờ, tăng 1/3 so với tuần trước đó và là mức tăng theo ngày cao nhất từ đầu dịch. Cùng ngày, nước này cũng ghi nhận 294 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh trên cả nước lên gần 99.000 người.

Hãng tin Reuters dẫn nội dung dự thảo tài liệu cuộc họp trên cho biết Đức sẽ yêu cầu người dân trình bằng chứng tiêm chủng, hoặc đã bình phục COVID-19, hay giấy xét nghiệm âm tính khi tham gia giao thông công cộng và tại nơi làm việc. Đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch đối với các hoạt động giải trí.

"Làn sóng dịch thứ tư đang tấn công tổng lực đất nước chúng ta. Số ca nhiễm theo ngày đang cao hơn bao giờ hết. Không bao giờ là quá muộn để tiêm liều vắc xin đầu tiên. Nếu có đủ số người tiêm đầy đủ, đó là cách thoát khỏi đại dịch", bà Merkel nhấn mạnh.

Cho tới nay, chỉ 68% người dân Đức tiêm đầy đủ, thấp hơn mức trung bình của Tây Âu và chỉ có 5% người dân đã tiêm liều tăng cường.

 Mỹ thúc đẩy sản xuất vắc xin, châu Âu siết chặt biện pháp phòng dịch - Ảnh 3.

Tại Áo, các khu chợ Giáng sinh chỉ mở cửa cho những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc bình phục COVID-19 - Ảnh: GETTY IMAGES

Cùng ngày, Bỉ siết chặt các biện pháp phòng dịch, bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín như nhà hàng và quán cà phê, buộc người lao động làm việc tại nhà khi số ca mắc mới tăng nhanh trong đợt dịch thứ tư ở nước này.

Bỉ đang là một trong những nước có số ca nhiễm trên đầu người cao nhất Liên minh châu Âu (EU), với tỉ lệ 1/100 người mắc bệnh trong 14 ngày qua, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu.

Trong khi đó, Tây Ban Nha đang đề xuất tiêm tăng cường cho người từ 60 tuổi trở lên, mở rộng chương trình tiêm tăng cường trước đó vốn chỉ dành cho người trên 70 tuổi.

Tại Anh, Cơ quan An ninh y tế khuyến nghị trẻ em từ 12-15 tuổi nên hoãn tiêm vắc xin nếu mắc COVID-19 trong vòng ít nhất 12 tuần. Trước đó, trẻ 16-17 tuổi cũng được khuyến nghị tương tự, với lý do nhằm giảm tỉ lệ gặp phản ứng phụ viêm cơ tim.

Ngày 17-11, Anh ghi nhận thêm 38.263 ca mắc mới và 201 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ. Tới nay, Anh đang có hơn 9,6 triệu ca bệnh, trong đó có hơn 143.000 ca tử vong vì COVID-19 từ đầu dịch.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong tại châu Âu đã tăng 5% trong tuần trước, và châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới có số người chết vì COVID-19 tăng.

'Zero COVID-19' ở Trung Quốc: Một bé tập đi ở Thụy Lệ bị xét nghiệm hơn 70 lần

TTO - Chỉ vài ca COVID-19, thành phố Thụy Lệ đã bị phong tỏa gần 200 ngày trong năm 2021. Báo chí địa phương cho biết một em bé tập đi ở Thụy Lệ bị xét nghiệm hơn 70 lần để kiểm tra COVID-19.

Nguồn bài viết