Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca do Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất được sử dụng tại một bệnh viện ở Sri Lanka tháng 1-2021 - Ảnh: REUTERS
Moderna xin cấp phép vắc xin cho trẻ 6-11 tuổi tại châu Âu
Ngày 9-11, Moderna thông báo nộp đơn lên cơ quan quản lý dược phẩm của châu Âu để xin cấp phép cho vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 6-11 tuổi, theo Hãng tin AFP.
Liệu trình dành cho nhóm tuổi này gồm 2 liều tiêm cách nhau 4 tuần, mỗi liều 50mcg, tức bằng một nửa liều dành cho người từ 12 tuổi trở lên.
Cuối tháng 10, Moderna báo cáo kết quả khả quan trong các thử nghiệm lâm sàng dành cho trẻ 6-11 tuổi. Theo đó, vắc xin tạo phản ứng miễn dịch mạnh với mức kháng thể trung hòa mạnh.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cũng đang xem xét dữ liệu vắc xin dành cho trẻ từ 5-11 tuổi của Hãng Pfizer. Trước đó, vắc xin COVID-19 của Moderna đã được cấp phép sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên tại châu Âu.
Hy Lạp tăng mạnh số ca COVID-19
Ngày 9-11, Hy Lạp ghi nhận kỷ lục 8.613 ca COVID-19 mới trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất từ đầu dịch, trong bối cảnh các bệnh viện đang chịu sức ép lớn vì quá tải bệnh nhân.
Theo Hãng tin AFP, số ca mắc mới tại Hy Lạp đang tăng gấp đôi trong chưa đầy 2 tuần. Khu vực phía bắc đất nước - có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn các khu vực khác, đang bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề trong những ngày qua.
Hy Lạp cũng ghi nhận thêm 46 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ vào ngày 9-11, giảm so với 65 ca của ngày trước đó. Cho đến nay, Hy Lạp có tổng cộng hơn 801.000 ca bệnh, trong đó có hơn 16.400 ca tử vong vì COVID-19.
Ấn Độ tiếp tục cung cấp vắc xin cho COVAX
Ấn Độ sẽ nối lại việc cung cấp vắc xin các loại cho cơ chế COVAX sớm nhất trong vài tuần tới. Đây được xem là một tin vui với những nước đang gặp khó khăn trong tìm kiếm vắc xin và phụ thuộc vào COVAX.
Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn thạo tin tiết lộ Ấn Độ sẽ nối lại việc chuyển vắc xin cho COVAX trong vài tuần nữa, góp phần giúp các nước nghèo có thêm vắc xin tiêm ngừa.
Ấn Độ, nước sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, ngừng xuất khẩu vắc xin COVID-19 vào tháng 4 vừa qua khi dịch bùng lên mạnh tại nước này do biến thể Delta.
Điều này khiến nguồn cung vắc xin thế giới bị ảnh hưởng, trong đó có cơ chế chia sẻ và phân phối vắc xin COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng sáng lập. Các biện pháp hạn chế bắt đầu nới lỏng vào tháng 10 vừa qua, với việc Ấn Độ gởi 4 triệu liều vắc xin cho các nước láng giềng và đối tác.
Sắp có thuốc gốc Molnupiravir đầu tiên
Ngày 9-11, Hãng dược Beximco của Bangladesh thông báo sẽ sản xuất thuốc gốc (generic) của Molnupiravir cho thị trường trong nước và có thể xuất khẩu.
Theo Reuters, đây là thuốc gốc Molnupiravir đầu tiên được sản xuất trên thế giới, sau khi Merck cho phép các nước nghèo và thu nhập trung bình được sản xuất thuốc gốc mà không thu phí bản quyền.
Thuốc gốc có ưu thế giá rẻ hơn thuốc biệt dược nên được các nước thu nhập thấp ưa chuộng.
Đại diện của Beximco cho biết thuốc gốc của hãng sẽ có giá bán lẻ tối đa là 70 taka (82 xu) cho mỗi viên, hoặc 2.800 taka (33 USD) cho một liệu trình đầy đủ.
Thuốc kháng virus Molnupiravir do Hãng Merck nghiên cứu, sản xuất - Ảnh: REUTERS
Cũng liên quan thuốc Molnupiravir, Merck thông báo Chính phủ Mỹ quyết định chi thêm 1 tỉ USD mua 1,4 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir trị COVID-19.
Tổng cộng Mỹ đã mua 3,1 triệu liệu trình với tổng giá trị khoảng 2,2 tỉ USD dù Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa cấp phép loại thuốc này.
Nhiều quốc gia khác cũng đang chạy đua đàm phán với Merck để mua thuốc Molnupiravir sau khi các dữ liệu lâm sàng cho thấy loại thuốc này làm giảm 50% nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19.
Tại Thái Lan ngày 9-11, nội các nước này cũng đã thông qua việc mua 50.000 liệu trình thuốc Molnupiravir cho kho dự trữ chiến lược và điều trị các bệnh nhân COVID-19 dễ tử vong.
Anh công nhận vắc xin Trung Quốc và Ấn Độ
Từ ngày 22-11 tới, Vương quốc Anh sẽ chào đón những người tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 của Sinovac và Sinopharm/BBIBP của Trung Quốc cùng Covaxin của Ấn Độ.
Đây là 3 loại vắc xin nằm trong danh sách được phép sử dụng khẩn cấp của WHO. Hiện Anh chỉ chấp nhận những người tiêm vắc xin AstraZeneca, Johnson&Johnson, Pfizer và Moderna.
Cũng liên quan đến đi lại an toàn giữa mùa COVID-19, một quan chức Chính phủ Thái Lan thông báo nước này đang cân nhắc mở cửa biên giới với Lào, Campuchia và Myanmar. Các quy định liên quan vắc xin, xét nghiệm và cách ly sẽ được công bố trong ngày 10-11.
Việc mở cửa biên giới chủ yếu nhằm đón người lao động 3 nước trên trở lại Thái Lan, giải quyết việc thiếu lao động đang ảnh hưởng đến nền kinh tế xứ chùa tháp.
Những vị khách quốc tế đầu tiên đến Thái Lan sau khi nước này mở cửa đón khách du lịch nước ngoài hôm 1-11 - Ảnh: REUTERS
Lo thiếu kim tiêm năm 2022
Sau vắc xin và thuốc điều trị, WHO cảnh báo thế giới có thể bị thiếu từ 1 - 2 tỉ kim tiêm cho chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 trong năm 2022.
Trong cảnh báo ngày 9-11, WHO cũng lo ngại việc thiếu kim tiêm sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng ngừa các bệnh khác và "làm giảm tính an toàn của kim tiêm".
Chuyên gia của WHO, bà Lisa Hedman, khuyên các quốc gia nên tính toán trước nhu cầu sử dụng kim tiêm cho vắc xin COVID-19 và các bệnh khác, tránh để "nước đến chân mới nhảy" dẫn đến khủng hoảng thiếu đồ bảo hộ y tế như hồi đầu đại dịch.
Châu Âu căng thẳng vì dịch bùng trở lại
Các nước châu Âu đang đứng trước nguy cơ một đợt bùng phát mới sau vài tháng nới lỏng giãn cách xã hội dù tỉ lệ tiêm chủng ở nhiều nước đã ở mức cao.
Bên trong một phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 tại Bulgaria ngày 9-11 - Ảnh: AFP
Tại Hà Lan ngày 9-11, các bệnh viện ở tỉnh Limburg kêu gọi Chính phủ thực hiện các biện pháp mới để ngăn chặn các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng. Các bệnh viện này đều than không có đủ nhân lực và cơ sở hạ tầng để đối phó với số ca nhiễm đang tăng vọt.
Theo Reuters, cũng như các khu vực khác của châu Âu, số ca mắc COVID-19 mới tại Hà Lan liên tục chạm mức cao nhất từ trước đến nay dù tỉ lệ tiêm chủng ở người lớn là khoảng 85%.
Bulgaria báo cáo 334 trường hợp chết vì COVID-19 vào ngày 9-11, mức cao nhất từ đầu đại dịch trong bối cảnh nước này đang vật lộn với đợt bùng phát thứ tư. Hiện Bulgaria là nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất Liên minh châu Âu, theo Reuters.
Tại Nga, số ca mắc mới công bố ngày 9-11 tiếp tục giảm nhưng số ca tử vong lại tăng lên mức kỷ lục 1.211 người. Tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 tại Nga hiện nay là 400 trên 100.000 người, theo số liệu được Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cung cấp ngày 9-11.