COVID-19 thế giới 7-12: Lãnh đạo y tế Mỹ cảnh báo Omicron 'chưa phải cuối cùng'

2 năm trước 439
 Lãnh đạo y tế Mỹ cảnh báo Omicron chưa phải cuối cùng - Ảnh 1.

Một nhân viên chuẩn bị thiết bị y tế bên trong phòng dành điều trị cho những người bị nhiễm biến thể Omicron tại Bệnh viện Dân sự ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 6-12-2021 - Ảnh: REUTERS

Báo New York Post dẫn lời ông Collins: "Omicron có số lượng đột biến lớn nhất mà chúng ta đã thấy cho đến nay, khoảng 50 đột biến, so với virus gốc. Dường như nó bắt nguồn từ một người suy giảm miễn dịch, ở trong cơ thể đó nhiều tháng và nảy sinh thêm nhiều đột biến trong khoảng thời gian ấy. Nếu chúng ta không xây dựng hệ thống bảo vệ miễn dịch toàn cầu, chắc chắn sẽ có một biến thể khác xuất hiện".

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Omicron như một biến thể "đáng lo ngại" và đang nghiên cứu về biến thể này. 

Từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi, biến thể này đã lây lan sang ít nhất 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng tại Mỹ, 17 bang ghi nhận có biến thể này.

Trong ngày 6-12, Nga và Nepal là những quốc gia mới nhất thông báo đã ghi nhận các ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Bộ Y tế Nepal thông báo nước này đã ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, gồm 1 người nước ngoài, 66 tuổi, nhập cảnh Nepal trước đó và 1 bệnh nhân 71 tuổi có tiếp xúc gần với người nước ngoài này.

Hiện cả 2 bệnh nhân đang được cách ly và đang được theo dõi sức khỏe. Lực lượng chức năng đã truy vết được 66 người có tiếp xúc với 2 bệnh nhân trên và tất cả những người này có kết quả xét nghiệm âm tính. Bộ Y tế Nepal không thông báo quốc tịch của các bệnh nhân.

Còn theo các chuyên gia y tế Nga, có 10 người trở về từ Nam Phi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 2 người nhiễm biến thể Omicron.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron tiếp tục buộc các nước phải tăng cường thêm các biện pháp kiểm soát dịch.

Tại Pháp, từ ngày 1-1-2022, chính phủ sẽ cho tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi dựa trên cơ sở tự nguyện, do tỉ lệ lây nhiễm ở độ tuổi này hiện rất cao, chỉ sau độ tuổi 30-39. Pháp hy vọng vào chiến dịch tiêm chủng, dù không tính đến khả năng bắt buộc tiêm như ba nước châu Âu, là Áo, Đức và Hà Lan. 

 Lãnh đạo y tế Mỹ cảnh báo Omicron chưa phải cuối cùng - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho một người dân ở Johannesburg, Nam Phi ngày 4-12 - Ảnh: REUTERS

Pháp cũng có kế hoạch cho học sinh nghỉ lễ cuối năm sớm hơn, từ ngày 15-12. Việc đeo khẩu trang cũng sẽ bị bắt buộc trở lại trong các nhà hát, sân khấu, một số nơi đông người qua lại, và không loại trừ khả năng bắt buộc đeo khẩu trang ngoài phố.

Áo là nước đầu tiên dự định thông qua dự luật bắt buộc tiêm chủng kể từ ngày 1-2-2022 và sẽ phạt 7.200 Euro với người vi phạm. Tuy nhiên, quyết định của chính phủ Áo khiến người dân liên tục xuống đường biểu tình vào các dịp cuối tuần gần đây. Cuối tuần qua, ngày 4-12, có đến 40.000 người xuống đường biểu tình.

Mỹ ghi nhận kỷ lục 120.000 ca COVID-19

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ vừa ghi nhận trung bình hơn 100.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày. Đây là mức trung bình cao nhất trong 2 tháng qua .

Số ca mắc COVID-19 cao được ghi nhận sau khi hàng triệu người Mỹ đi du lịch trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ cũng đang gia tăng, với trung bình trong bảy ngày có 1.651 người chết vì virus. Đây là số ca tử vong trung bình cao nhất trong hơn một tháng qua.

Phần lớn các ca mắc mới ở Mỹ là nhiễm biến thể Delta, nhưng tính đến ngày 6-12, theo báo New York Times, các chuyên gia y tế ở Mỹ đã phát hiện ra biến thể Omicron đã  xuất hiện tại ít nhất 17 tiểu bang.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực tăng cường sản xuất 1 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 mỗi năm để chia sẻ với thế giới và đang tiếp cận với các công ty đã có kinh nghiệm sản xuất vắc xin công nghệ mRNA (như Pfizer, Moderna) để thực hiện mục tiêu này.

Tổng thống Biden cam kết sẽ cung cấp miễn phí, chứ không bán, 1,2 tỉ liều vắc xin COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tính đến ngày 18-11, theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, quốc gia này đã tặng 250 triệu liều vắc xin cho hơn 110 quốc gia. Các nỗ lực của Mỹ nhằm giúp tiêm vắc xin cho 70% dân số thế giới vào mùa thu sang năm.

Trong đó, Việt nam đã nhận hơn 20,5 triệu liều vắc xin do Mỹ trao tặng.

Đức Đức 'khóa chân' người chưa tiêm vắc xin COVID-19

TTO - Những người chưa tiêm vắc xin tại Đức sẽ không được đi bất kỳ đâu, ngoại trừ cửa hàng tạp hóa, tiệm thuốc và tiệm bánh, trong bối cảnh các nhà lập pháp đang chuẩn bị luật bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19.

Nguồn bài viết