Anh ngừng yêu cầu xét nghiệm với người đã tiêm vắc xin và không cách ly người không tiêm sau nhập cảnh từ ngày 11-2 - Ảnh: REUTERS
Bước đi tất yếu tiến tới cuộc sống bình thường
Theo Hãng tin AFP, Anh gọi đây là "một giai đoạn mới" trong chiến lược ứng phó với COVID-19 của mình.
Hiện tại, người đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ khi nhập cảnh vào Anh được yêu cầu làm xét nghiệm nhanh vào ngày thứ 2 và những người chưa tiêm phải tự cách ly trong 10 ngày đồng thời phải làm nhiều xét nghiệm trước và sau khi khởi hành.
Nói về những thay đổi trong quy định, Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps cho biết từ ngày 11-2 các yêu cầu cũ sẽ được bãi bỏ để giúp việc đi lại dễ dàng hơn, tiết kiệm hơn, đồng thời mang lại "sự chắc chắn" trong hồi phục cho ngành vận tải và du lịch.
"Tôi thấy rõ ràng rằng việc xét nghiệm ở biên giới với du khách đã tiêm vắc xin đã không còn hiệu quả nữa, do đó chúng tôi sẽ loại bỏ tất cả các xét nghiệm với người có nhu cầu đi lại đã tiêm vắc xin", bộ trưởng Shapps nói.
Ông cho biết yêu cầu tự cách ly với người không tiêm cũng sẽ kết thúc vào cùng ngày, nhưng với họ, yêu cầu làm xét nghiệm PCR trước khi lên máy bay, sau khi nhập cảnh và cung cấp đầy đủ thông tin vào mẫu định vị hành khách sẽ vẫ cần thiết.
Ông Shapps cho biết: "Đây là những biện pháp phù hợp giúp chúng ta tiến gần hơn đến sự bình thường trong khi vẫn duy trì các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng quan trọng.
Vương quốc Anh cũng sẽ chấp nhận giấy chứng nhận vắc xin từ 16 quốc gia khác trong đó có Trung Quốc và Mexico - nâng tổng số quốc gia mà Anh công nhận chứng nhận tiêm vắc xin COVID-19 lên hơn 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"Chúng ta đang chuyển vào một giai đoạn mới của cuộc chiến chống COVID, thay vì bảo vệ Vương quốc Anh khỏi đại dịch, tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc sống chung với bệnh đặc hữu mang tên COVID-19.
Số ca nhiễm COVID-19 mới hằng ngày do biến thể Omicron tại Anh đã giảm mạnh từ mốc kỷ lục vào cuối tháng 12-2021. Trong giai đoạn khó khăn đó, chính quyền Anh đưa ra các quy định mạnh tay như bắt buộc xét nghiệm trước khi khởi hành và tự cách ly ngay cho tới khi được trả kết quả âm tính.
Nhiều doanh nghiệp, các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch hoan nghênh quyết định mới nhất của Anh vì việc này sẽ khuyến khích du lịch quốc tế.
Đức: thận trọng
Đức siết các biện pháp kiểm soát COVID-19 do dịch tăng nhanh - Ảnh: REUTERS
Trong khi phía Anh có hành động mở toang cửa thì cùng ngày, Đức cho mở rộng các biện pháp chống đại dịch hiện tại sau khi hội đồng chuyên gia do chính phủ chỉ định cảnh báo biến thể Omicron lây lan nhanh có thể làm các cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đến điểm vỡ.
Cụ thể, Đức sẽ hạn chế số lượng người trong các cuộc gặp riêng xuống 10 người và yêu cầu bằng chứng đã tiêm mũi bổ sung hoặc xét nghiệm âm tính tại nhà hàng.
Đức cho biết "đây là lúc phải cảnh giác" nhưng cũng khẳng định chính phủ sẽ xem xét nới lỏng hoặc siết chặt các biện pháp khi dịch giảm hoặc tăng mạnh về số ca nhiễm.
Ngày 24-1, Đức có 63.393 ca nhiễm COVID-19 mới, tăng 86% so với tuần trước, theo số liệu của Viện về các bệnh truyền nhiễm Robert Koch Institute (RKI).
Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach nhận định ca nhiễm ở Đức sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 2-2022.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS
Ngày 24-1, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng COVID-19 đã đạt đến một "điểm mấu chốt quan trọng" và nếu các quốc gia hợp tác cùng nhau, tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu có thể kết thúc trong năm nay.
Tuy nhiên, ông cảnh báo sẽ thật nguy hiểm khi cho rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng, hoặc dịch bệnh đang đi đến hồi kết vì 85% dân số châu Phi vẫn chưa được tiêm dù chỉ một liều vắc xin.
"Chỉ riêng vắc xin không phải là tấm vé vàng thoát khỏi đại dịch. Nhưng sẽ không có lối thoát trừ khi chúng ta đạt được mục tiêu chung là tiêm chủng cho 70% dân số của mọi quốc gia vào giữa năm nay", ông Ghebreyesus nói.