Phía trước điểm xét nghiệm COVID-19 tại khu mua sắm ở London (Anh), ngày 22-12 - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Reuters ngày 22-12, ông Hans Kluge - giám đốc WHO tại châu Âu, đã cảnh báo các quốc gia phải chuẩn bị cho "sự gia tăng đáng kể" các ca mắc COVID-19.
Ông Kluge khẳng định biến thể Omicron đã thống trị ở Anh, Đan Mạch, Bồ Đào Nha và có khả năng chiếm ưu thế trên toàn châu Âu "trong một vài tuần".
"Không còn nghi ngờ gì nữa, châu Âu lại một lần nữa trở thành tâm chấn của đại dịch toàn cầu", ông Kluge nói.
Tuy nhiên, ông Kluge cho rằng chúng ta "không có lý do gì để hoảng sợ" bằng cách nhắc lại các biện pháp hiện có: tiêm liều vắc xin tăng cường, đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập vào Giáng sinh và Năm mới.
Ông Kluge cũng cho biết việc phong tỏa chỉ nên là biện pháp cuối cùng, vì phải đánh đổi về kinh tế và xã hội.
Khu phố mua sắm ở trung tâm Berlin, Đức. Omicron đã phủ màu ảm đạm lên Giáng sinh năm nay ở châu Âu - Ảnh: REUTERS
Một số nghiên cứu cho rằng Omicron gây bệnh nhẹ hơn biến thể Delta nhưng các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về điều này.
Giám đốc WHO tại châu Âu tin rằng lịch sử đã cho thấy mọi đại dịch rồi sẽ đến lúc kết thúc.
"Tôi không biết khi nào nó sẽ kết thúc nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi đúng hướng, cuộc sống của chúng ta sẽ bình thường vào năm tới nếu Omicron ít nguy hiểm hơn", ông Kluge nói. "Vấn đề mấu chốt là không ai bị bỏ lại phía sau".
Thế giới có cần liều vắc xin thứ 4?
Bé gái người Israel tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Jerusalem - Ảnh: REUTERS
Cũng trong ngày 22-12, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đề xuất tiêm liều vắc xin thứ 4 để tăng cường bảo vệ trước biến thể Omicron.
Ông Lauterbach cho biết Đức đã đặt hàng 80 triệu liều vắc xin đặc hiệu chống Omicron, dự kiến giao vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm sau, trong bối cảnh dự báo Omicron sẽ sớm chiếm ưu thế ở Đức.
"Chiến dịch tiêm tăng cường là nền tảng quan trọng nhất của chúng tôi trong cuộc chiến chống lại Omicron", ông Lauterbach nói.
Một trong những nước có động thái quyết liệt nhất với liều vắc xin thứ 4 là Israel. Nước này sẽ tiêm liều vắc xin thứ 4 cho người trên 60 tuổi, người suy giảm miễn dịch và nhân viên y tế.
Hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế Israel khuyến nghị người đủ điều kiện nên tiêm mũi thứ 4 ít nhất 4 tháng sau khi tiêm mũi thứ 3, đồng thời khoảng cách giữa mũi 2 và mũi 3 giảm từ 5 xuống còn 3 tháng.
Mỹ phê duyệt thuốc Paxlovid
Dây chuyền sản xuất thuốc Paxlovid ở Ý - Ảnh: REUTERS
Bên cạnh vắc xin, các loại thuốc kháng virus cũng tiếp thêm niềm hy vọng cho con người trước đại dịch.
Ngày 22-12, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus Paxlovid của hãng Pfizer, dùng trong điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình ở người lớn và người trên 12 tuổi.
Paxlovid là thuốc viên dạng uống, được khuyến nghị dùng càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán và trong vòng 5 ngày để từ khi bắt đầu có triệu chứng.
Ngày 14-12, Pfizer tuyên bố thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid của họ hiệu quả gần 90% trong ngăn ngừa nhập viện và tử vong ở bệnh nhân nguy cơ cao.
Kết quả thử nghiệm vào tháng 11, Paxlovid có hiệu quả khoảng 89% trong việc ngăn ngừa nhập viện hoặc tử vong khi so sánh với giả dược. Không có ai tử vong sau thử nghiệm.
Một loại thuốc khác cũng đang được dùng trong điều trị COVID-19 ở nhiều nước là Molnupiravir.
Molnupiravir và Paxlovid có thể góp phần thay đổi thực trạng đại dịch hiện nay, khi chúng làm giảm các trường hợp nhập viện và tử vong do COVID-19 khi được sử dụng ngay sau khi nhiễm.
Thụy Điển: Công ty DSruptive Subdermals vừa trình làng thẻ tiêm chủng COVID-19 theo dạng vi mạch cấy dưới da. Chip cấy tuy có giá hàng trăm euro nhưng có thể dùng hàng chục năm.
Vương quốc Anh: Lần đầu tiên số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vượt quá 100.000 ca, cụ thể là 106.122 ca trong ngày 22-12. Nước này cũng bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ em có sức khỏe yếu từ 5 đến 11 tuổi.
Pháp: Các dược sĩ đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm PCR của người dân trước Giáng sinh để đi lại thuận tiện.
Tây Ban Nha: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ở ngoài trời ngay cả khi có thể giãn cách.