Thủ tướng Anh Boris Johnson (áo trắng) đi thăm người dân tiêm liều tăng cường ở London, nước Anh, ngày 30-11 - Ảnh: REUTERS
Ngày 30-11, Đại học Oxford nói cho tới nay có rất ít dữ liệu về biến thể Omicron nhưng họ đã sẵn sàng phát triển phiên bản cập nhật của vắc xin nếu cần thiết.
Đại học Oxford là đơn vị đồng phát triển vắc xin COVID-19 với hãng dược AstraZeneca.
"Bất chấp sự xuất hiện của các biến thể mới vừa qua, vắc xin vẫn có khả năng bảo vệ người nhiễm khỏi trở bệnh nặng và chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có thể gây ra bất kỳ khác biệt nào", đại học Oxford cho biết.
Ông Ugur Sahin, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng dược BioNTech cũng có chung quan điểm nói trên.
"Chúng tôi nghĩ rằng vắc xin có khả năng bảo vệ đáng kể mọi người khỏi trở bệnh nặng do biến thể Omicron", ông Sahin nói với Hãng tin Reuters vào ngày 30-11.
Ông Sahin cho biết các phòng thí nghiệm đang phân tích máu của những người đã tiêm 2 hoặc 3 liều vắc xin Comirnaty của Pfizer-BioNTech để xác định hiệu quả của vắc xin trước biến thể mới.
CEO BioNTech tính đến giải pháp là tiêm liều vắc xin thứ 3, còn gọi là liều tăng cường, giúp bổ sung lớp bảo vệ tốt hơn trước biến thể mới so với người chỉ tiêm 2 liều.
"Theo tôi thì không có gì phải quá lo lắng. Điều duy nhất tôi lo lắng vào lúc này là có những người tới giờ vẫn chưa tiêm", ông Sahin nói.
Sự bình tĩnh của CEO BioNTech trái ngược với tâm lý cảnh giác của CEO hãng dược Moderna, ông Stéphane Bancel.
Ông Stéphane Bancel cho biết với số lượng đột biến trên protein gai cao hơn nhiều so với biến thể Delta (Omicron có 43 đột biến trong khi Delta có 18), các loại vắc xin hiện tại cần được nâng cấp vào năm tới.
"Tôi nghĩ rằng vắc xin không có cùng mức hiệu quả với Omicron khi so với biến thể Delta", ông Bancel nói trong cuộc phỏng vấn với báo Financial Times.
WHO kêu gọi bình tĩnh
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS
Cũng trong ngày 30-11, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng bày tỏ lo ngại một số nước đang áp dụng các biện pháp phòng dịch có phần thái quá.
Trong bài phát biểu trước 194 quốc gia thành viên của WHO, ông Tedros kêu gọi quốc gia thành viên thực hiện những biện pháp giảm thiểu rủi ro một cách hợp lý và tương xứng", phù hợp với các Quy định Y tế Quốc tế năm 2005 của cơ quan này.
Sau khi được các nước miền nam châu Phi công bố cách đây 1 tuần, biến thể Omicron đã có mặt ở nhiều quốc gia, khiến các nước bắt đầu hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi.
WHO lo ngại động thái hạn chế đi lại là không công bằng với quốc gia phát hiện biến thể mới.
Ông Tedros gửi lời cảm ơn Nam Phi và Botswana vì đã công bố biến thể mới và nói ông "vô cùng lo lắng khi hai nước này bị trừng phạt vì đã làm điều đúng đắn".
Người đứng đầu WHO bày tỏ sự thông cảm khi các quốc gia muốn bảo vệ công dân của mình trước biến thể mới, nhưng ông cũng lo ngại một số quốc gia thành viên WHO "đang đưa ra những biện pháp thiếu cân nhắc" và chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.
Ngày 30-11, Bộ trưởng Y tế Israel Nitzan Horowitz cho biết tiêm liều vắc xin thứ 3 trong vòng 6 tháng sau khi tiêm 2 liều có thể tăng khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron, dù không trích dẫn dữ liệu nghiên cứu.
Ông Horowitz nói trong vòng vài ngày tới Israel sẽ có thông tin chính xác hơn về hiệu quả của vắc xin trước biến thể mới. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy những người được tiêm vắc xin còn hiệu lực hoặc được tiêm bổ sung đều được bảo vệ trước biến thể này.