Tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Sinovac (Trung Quốc), vắc xin được WHO phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, cho người dân ở thành phố San Juan, Metro Manila, Philippines, ngày 2-6-2021 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, các cam kết được đưa ra tại hội nghị trực tuyến do Nhật Bản và Liên minh vắc xin GAVI, cơ quan lãnh đạo cơ chế phân phối vắc xin công bằng COVAX cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.
Các nước tham gia đều hành động thể hiện cam kết của mình, số tiền đóng góp có thể từ 2.500 USD như trường hợp của đảo quốc Mauritius hay lên đến hàng trăm triệu USD. Với 2,4 tỉ USD mới nhận được, hiện tổng số tiền mà các quốc gia trên thế giới đóng cho COVAX là 9,6 tỉ USD.
Úc đóng góp thêm 50 triệu USD, nâng tổng số tiền quốc gia này góp vào quỹ COVAX là 130 triệu USD. Canada, Thụy Điển, Áo, Thụy Sĩ, Luxembourg cũng cam kết các khoản đóng góp thêm. Tây Ban Nha góp 15 triệu liều vắc xin và 61 triệu USD.
Mỹ không đưa ra cam kết tài trợ mới nhưng cho đến nay, quốc gia này đã hứa đóng góp 2 tỉ USD trong năm nay và 2 tỉ USD trong năm tới cho COVAX.
Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cam kết đóng góp 800 triệu USD tại hội nghị, và gọi kết quả chung cuộc là "một bước tiến cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa" trong tiếp cận vắc xin công bằng.
Cơ chế COVAX đã phân phối 77 triệu liều vắc xin cho 127 quốc gia trên thế giới và đặt mục tiêu sẽ tăng tốc cung ứng 1,8 tỉ liều để tiêm cho 30% dân số ở các nước nghèo.
Tại hội nghị, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại lo ngại từ lâu của ông là trong khi các nước phương Tây đã tiêm vắc xin cho một tỉ lệ khá cao người dân thì nhân viên y tế ở những nơi như châu Phi vẫn chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.