Ngoài phục hồi đất, sáng kiến "Trường thành xanh" được kỳ vọng tạo việc làm và mang lại an ninh lương thực cho các cộng đồng địa phương - Ảnh: CNN
Sahara, sa mạc lớn nhất thế giới, đang tiếp tục lớn. Trong thế kỷ qua, sa mạc này đã mở rộng thêm 10%, giờ đây bao phủ khu vực rộng khoảng 8,6 triệu km2 và trải dài trên 11 quốc gia ở Bắc Phi.
Khu vực Sahel, một vành đai bán khô hạn đóng vai trò là vùng đệm ở phía nam sa mạc Sahara, bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nước, vốn đã khan hiếm, đang trở nên khan hiếm hơn. Chất lượng đất đang giảm đi và tình trạng thiếu cây cối đang dẫn tới mất an ninh lương thực. Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 135 triệu người sống dựa vào vùng đất này đang gặp rủi ro.
Tuy nhiên, một kế hoạch đầy tham vọng - do Liên minh châu Phi (AU) khởi động năm 2007 - có thể giúp chặn lại những đống cát nóng và bảo vệ các cộng đồng ở khu vực Sahel. Đài CNN ngày 17-3 có bài viết về sáng kiến này với tên gọi "Great Green Wall" (tạm dịch: Trường thành xanh).
Theo CNN, trong thập niên tới, sáng kiến này được kỳ vọng sẽ phục hồi 100 triệu ha đất nằm giữa Senegal ở phía tây và Djibouti ở phía đông châu Phi, tạo ra một bức "trường thành xanh" với nhiều cây cối dài gần 8.000km và rộng 15km.
Bức "trường thành xanh" sẽ giúp khôi phục 100 triệu ha đất trên khắp 11 nước ở châu Phi trước năm 2030 - Đồ họa: CNN
Vật lộn với nguồn vốn không đủ trước đây, dự án này đã được tiếp sức to lớn hồi tháng 1-2021: 14 tỉ USD đến từ Pháp, Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều bên đóng góp khác. Con số này chiếm gần một nửa trong tổng số 33 tỉ USD mà Liên Hiệp Quốc ước tính cần có để đạt mục tiêu trên vào năm 2030.
Nếu hoàn tất, "Trường thành xanh" sẽ có chiều dài gấp hơn 3 lần rạn san hô Great Barrier, cấu trúc sống lớn nhất hiện nay trên Trái đất. Bên cạnh việc phục hồi đất, sáng kiến này được kỳ vọng sẽ tạo việc làm và mang lại an ninh lương thực cho các cộng đồng địa phương.
Cách hạn chót khoảng 9 năm, phía trước vẫn còn một con đường dài. Đến nay, 4 triệu ha đất đã được phục hồi, tức chỉ 4% mục tiêu.
Các quốc gia đã thử nhiều biện pháp bảo tồn như trồng cây gây rừng lại, nông lâm kết hợp... Họ cũng thực hiện các bước để bảo vệ nguồn nước bằng cách khoan đào và xây dựng các hệ thống tưới tiêu. Ethiopia được cho là đã khôi phục đất nhiều nhất tới nay, gồm tạo ra 5,5 tỉ cây và trồng cây gây rừng lại trên 150.000ha đất.