Đánh bắt tươi tại cảng Sakaiminato, trên bờ biển phía tây của đảo Honshu, Nhật Bản - Ảnh: AFP
Hãng tin Bloomberg trích nghiên cứu của Tổ chức Minderoo (Úc) cho biết sản lượng cá trên toàn cầu đang bị suy giảm ở mức đáng báo động. Khoảng 48% ngư trường đang bị khai thác quá mức, nửa còn lại hiện vẫn chưa có đủ thông tin để xác định.
Tổ chức Minderoo cho biết tỉ lệ cạn kiệt này tệ hơn so với ước tính chỉ khoảng 30% trước đó. 1/10 trữ lượng cá trên toàn thế giới đang trên đà cạn kiệt. Trữ lượng của đàn cá thuộc nhóm bị đe dọa chỉ còn 10% so với ban đầu.
Liên quan đến vấn đề này, nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS) cho biết theo thống kê mới nhất của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 34% trữ lượng cá toàn cầu đang bị đánh bắt quá mức.
Được biết, con số này tăng liên tục khoảng 4%/năm kể từ những năm 1970 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tổ chức Minderoo cho điểm các quốc gia, từ A (cao nhất) đến F (thấp nhất), dựa trên tiến độ khôi phục nguồn cá và năng lực quản lý việc đánh bắt, khai thác ở mỗi nước.
Điểm cao nhất là C thuộc về các nước Chile, Iceland, Ireland, Latvia, Na Uy và Mỹ. Tổ chức nhận định các quốc gia này có hệ thống quản lý khai thác cá tốt nhưng cần phải nỗ lực và chú tâm hơn vào các nguồn cung khác để đạt được các mục tiêu bền vững toàn cầu.
20 quốc gia nhận điểm F gồm Úc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Peru, Nga, Việt Nam... Gần như tất cả ngư trường ở các nước này đều không được kiểm soát tốt hoặc đang bị khai thác quá mức. Theo tổ chức này, các nước nhận điểm F có rất ít triển vọng tăng trưởng nếu không có những cải tiến lớn trong công tác quản lý.
Biển Đông và biển Hoa Đông ước tính sẽ mang lại kim ngạch thương mại hằng năm vào khoảng 100 tỉ USD. Với trữ lượng hiện tại, cả hai vùng biển này được đánh giá là vùng đánh cá quan trọng bậc nhất ở khu vực Tây Thái Bình Dương và có khả năng tạo ra nguồn lợi nuôi sống hàng triệu người.
Tuy nhiên, báo South China Morning Post (SCMP) trích kết quả nghiên cứu của Trường đại học British Columbia và Quỹ ADM Capital cho biết nguồn tài nguyên cá ở khu vực Biển Đông đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nếu trong vòng 10 năm tới, các nước vẫn không có những hành động quyết liệt nhằm đối phó với nạn đánh cá tận diệt và tác động từ biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu trên, với tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng đánh bắt cá hiện nay, những loài cá có giá trị thương mại chính ở khu vực Biển Đông có thể giảm tới 90% số lượng vào năm 2100. Cùng với đó, đến cuối thế kỷ này, thiệt hại do thiếu hụt nguồn cung cá biển được ước tính vào khoảng 11,5 tỉ USD hàng năm.
Kể cả trong kịch bản tích cực nhất, khi lượng khí thải nhà kính được kiểm soát ở mức thấp và các hoạt động đánh bắt cá giảm khoảng 50%, nguồn hải sản ở Biển Đông cũng sẽ giảm 22% về số lượng các nguồn cá có giá trị thương mại chính, tương đương với mức giảm doanh thu hàng năm khoảng 6,7 tỉ USD vào năm 2100.
Theo các nhà nghiên cứu, việc giảm đánh bắt cá trong 10 năm đầu có thể có tác động lớn trong việc hồi phục tài nguyên cá về lâu dài. Tuy vậy, Tổ chức Minderoo nhận định đây sẽ là một hành trình đầy thách thức.
Nhìn chung, giới nghiên cứu khuyến nghị thúc đẩy đối thoại trong khu vực để tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên cá giữa các nước, giảm đánh bắt cá con, và áp dụng các chính sách chống biến đổi khí hậu trong quản lý hệ sinh thái biển.