Con ngáo ộp COVID quay lại châu Âu

3 năm trước 497
Con ngáo ộp COVID quay lại châu Âu - Ảnh 1.

Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin khi thăm một công ty sản xuất vắc xin BioNTech ở Marburg (Đức) vào hôm 19-8 - Ảnh: AFP

Liên minh châu Âu (EU) đang lo sợ buộc phải làm điều mà họ vốn muốn tránh bằng mọi giá: tái áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nội khối giống như những gì đã áp dụng năm ngoái. Châu Âu sắp bước vào mùa thu, giữa bối cảnh "bóng ma" COVID-19 quay trở lại.

Mùa thu đáng lo

Tại Ý, số ca nhiễm mới trong ngày tăng từ 3.674 ca (công bố hôm 16-8) lên 7.260 ca (19-8). Ở Đức, biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao đang khiến số ca nhiễm mới tăng vọt, đặc biệt ở người trẻ.

Hiện biến thể Delta chiếm gần 98% số ca nhiễm mới ở Đức, theo Hãng tin Anadolu. Hôm 19-8, Viện Robert Koch của Đức cho biết nước này ghi nhận 8.400 ca nhiễm mới (nâng tổng số ca nhiễm lên 3,843 triệu ca) và đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm tăng thêm trong ngày ở Đức vượt mức 8.000 ca. Hôm 18-8, số ca đang mang bệnh ở nước này đã tăng từ 55.900 lên 61.500 ca, cao nhất trong làn sóng dịch thứ 4 ở Đức.

Trong khi đó, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 144 ca tử vong hôm 18-8 (cao nhất trong ngày kể từ tháng 5) và 11.956 ca nhiễm mới cùng ngày. Một ngày sau, nước này có 12.445 ca nhiễm mới.

Ở Bỉ, trong tuần từ ngày 9 tới 15-8, Bỉ ghi nhận trung bình 1.896 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng 9% so với tuần trước đó. Theo số liệu của Viện Y tế công cộng Sciensano, số ca nhập viện ở Bỉ tiếp tục tăng lên. Từ ngày 12 tới 18-8, trung bình 60 bệnh nhân COVID-19 nhập viện mỗi ngày, tăng 26%.

Ủy ban châu Âu (EC) đang lo lắng EU có thể sẽ áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế đi lại giống năm ngoái, do số ca nhiễm tăng vọt trong thời tiết lạnh vào mùa thu. Trang Politico dẫn lời một nhà ngoại giao EU đánh giá khả năng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong khối này vào mùa thu năm nay là "50 - 50".

Hiện nay các biện pháp hạn chế về y tế đang được thực thi nghiêm ngặt ở Pháp và Đức nhưng lại không áp dụng mạnh ở các nước như Tây Ban Nha, Bỉ và Ý. Ở Saint-Jans-Cappel (Pháp), với việc đòi hỏi bằng chứng tiêm chủng, nhiều nhà hàng gần như không có khách. Còn ở Heuvelland (Bỉ), với các quy định y tế vẫn còn khá nhẹ nhàng, các địa điểm ăn uống đông đúc khách, đáng nói là có nhiều khách hàng từ Pháp sang.

Việc cho phép tự do đi lại xuyên biên giới có thể phản tác dụng trong việc kiềm chế virus. Ông Fabrizio Pregliasco, nhà virus học và là giám đốc Viện Galeazzi (Ý), đánh giá việc cho đi lại xuyên biên giới bên trong EU là "không lý tưởng" trong bối cảnh khối này nỗ lực kiềm chế COVID-19 lây lan.

Hối thúc tiêm vắc xin

Ngày 19-8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc giục người Đức đi tiêm vắc xin COVID-19 để bảo vệ chính họ và những người khác khỏi COVID-19. "Trước đây chúng ta có rất ít nguồn cung vắc xin, nhưng giờ chúng ta đang trong một tình huống khác. Hiện chúng ta có đủ vắc xin. Tiêm vắc xin là điều rất quan trọng trong bối cảnh số ca nhiễm tăng lên gần đây" - bà Merkel phát biểu.

Đức đã tiêm hơn 500.000 liều vắc xin COVID-19 mỗi ngày vào tháng 5 và 6. Tuy nhiên trong những tuần gần đây, lần đầu tiên số người đi tiêm vắc xin đã giảm xuống mức dưới 150.000 người mỗi ngày.

Theo trang Politico, hiện nay gần 90% dân số trưởng thành ở các nước như Ireland, Pháp và Tây Ban Nha đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, tỉ lệ này ở Bulgaria và Ba Lan lần lượt chỉ là 20% và 60%. Trong khi đó, Chính phủ Bỉ thông báo sẽ tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 3 cho người dân bị suy giảm miễn dịch. Quyết định này sẽ cho phép khoảng 300.000 - 400.000 người tiêm liều vắc xin thứ 3 thuộc loại dùng công nghệ mRNA (Pfizer hoặc Moderna) trong mùa thu năm nay.

Pháp, Đức, Áo và Lithuania đã đưa ra nhiều kế hoạch khác nhau về việc tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 3 cho những người bị suy giảm miễn dịch và trong nhóm nguy cơ cao vào mùa thu này. Tuy nhiên, những động thái trên gây nhiều tranh cãi, sau khi Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước hoãn tiêm mũi tăng cường cho tới khi mọi quốc gia trên thế giới có ít nhất 10% dân số đã tiêm vắc xin COVID-19 tính tới cuối tháng 9-2021.

7,6%

Tròn một tháng kể từ "ngày tự do" 19-7, ngày dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19, tình hình COVID-19 ở Anh vẫn diễn biến phức tạp. Dữ liệu của Chính phủ Anh cho thấy nước này ghi nhận thêm 33.904 ca vào ngày 18-8 và 36.572 ca nhiễm mới vào ngày 19-8. Số ca nhiễm trong tuần từ ngày 12 tới 18-8 ở Anh đã tăng 7,6% so với tuần trước đó.

COVID-19 tiếp tục nhấn chìm châu Âu, Mỹ nhìn châu Âu mà kinh hoàngCOVID-19 tiếp tục nhấn chìm châu Âu, Mỹ nhìn châu Âu mà kinh hoàng

TTO - Một đợt lây nhiễm COVID-19 mới đang càn quét dữ dội khắp châu Âu, nhiều quốc gia vừa dỡ phong tỏa đã lục tục chuẩn bị phong tỏa tiếp vì ca nhiễm tăng vọt.

Nguồn bài viết