CLB người nhóm máu hiếm: Những người trẻ gieo 'hạt sống' cho đời

3 năm trước 342
 Những người trẻ gieo hạt sống cho đời - Ảnh 1.

Thành viên nhóm máu hiếm hiến máu cứu người. Việc tìm được nguồn máu phù hợp với người thuộc nhóm máu hiếm là cực kỳ quý giá - Ảnh: NVCC

7 năm trước khi đang là sinh viên, chị Nguyễn Thị Nhâm (28 tuổi, Thanh Hóa) nhận cuộc điện thoại của bệnh viện gấp rút gọi đến. Bệnh viện báo tin có người gặp nạn đang cần máu, là nhóm những người có máu hiếm O-Rh- tại khu vực miền Bắc, chị gấp rút lên đường.

"Người bị nạn đang cần máu gấp, không ngần ngại, tôi đồng ý đến bệnh viện hiến máu", chị Nhâm nhớ lại giây phút khẩn cấp.

Ngân hàng máu hiếm

Sau sự việc đó, chị Nhâm quyết tâm tham gia câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm, kịp thời hiến máu cứu sống người bệnh trong tình trạng khẩn cấp. Đến nay chị đã có 11 lần hiến máu tình nguyện.

Chị bộc bạch mỗi lần hiến máu đều cảm thấy hạnh phúc bởi "dù không biết họ là ai, họ vẫn là những người mang nhóm máu giống mình".

 Những người trẻ gieo hạt sống cho đời - Ảnh 2.

Đến nay chị Nhâm đã có 11 lần hiến máu hiếm cứu người - Ảnh: N.NGUYỄN

Thuộc nhóm máu hiếm, mới đầu gia đình và bạn bè kịch liệt phản đối khi biết chị tham gia hiến máu. Cũng bởi ngày ấy vóc dáng của cô sinh viên năm ba khá mảnh mai, đôi lúc không đủ cân nặng nên mọi người lo sợ chị hiến máu sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Cứ sau nhiều lần tham gia hiến máu như thế, sức khỏe chị Nhâm hoàn toàn ổn định, tinh thần lại thoải mái hơn, gia đình cũng dần hiểu cho việc làm của chị.

Bản thân chị cũng hiểu rằng tìm được nguồn máu phù hợp với người thuộc nhóm máu hiếm là cực kỳ quý giá. Nếu không có đủ nguồn máu kịp thời, bệnh nhân sẽ đứng giữa "lằn ranh tử thần".

"Mỗi lần hiến máu xong, tôi cảm thấy rất hạnh phúc bởi giọt máu của mình sẽ cứu được một người nào đó", chị Nhâm chia sẻ.

19 lần tham gia hiến máu hiếm, thuộc nhóm máu O-Rh-, anh Nguyễn Lương Hiếu (31 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết những người thuộc nhóm này không chủ động hiến máu nhiều như trước đây mà sẽ giữ lại như một "ngân hàng máu hiếm", khi có tình huống khẩn cấp hoặc bệnh viện gọi là lên đường ngay.

Anh nhớ có những hôm trời mưa lớn, có bệnh nhân cần gấp máu, anh cùng ba thành viên khác trong CLB máu hiếm ngay lập tức di chuyển đến viện.

"Mình chỉ biết lúc đó gia đình bệnh nhân rất cần máu và họ chưa thể liên hệ được với ai. Thông qua sự huy động của bệnh viện, chúng tôi đã có mặt kịp lúc để hiến máu cho bệnh nhân", anh Hiếu bộc bạch.

 Những người trẻ gieo hạt sống cho đời - Ảnh 3.

Thành viên câu lạc bộ nhóm máu hiếm ở Hà Nội gắn kết, chia sẻ với nhau, sẵn sàng hiến máu cứu người trong tình trạng khẩn cấp - Ảnh: NVCC

Vượt nỗi sợ, "nghiện" hiến máu

Đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Phạm Quốc Cường (23 tuổi, ở Hà Nội) là gương mặt trẻ quen thuộc trong hoạt động hiến máu tình nguyện. Mang trong mình nhóm máu hiếm B-, đến nay anh đã có 14 lần hiến máu tình nguyện và chuẩn bị cho lần hiến máu thứ 15.

Những ngày đầu tham gia hiến máu, Cường cho biết bị gia đình phản đối vì nghĩ rằng anh đi "bán máu", sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Giấu gia đình, anh đành đi hiến máu "chui". Đến lần hiến máu thứ 11, mẹ Cường phát hiện ra và phản đối kịch liệt.

Là người công tác trong ngành y, hơn ai hết anh hiểu được tầm quan trọng của nhóm máu hiếm trong hoạt động cứu người. Mỗi ngày, anh kiên trì giải thích cho bố mẹ những cái có hại và có lợi của việc hiến máu, từ đó gia đình cũng hiểu hơn về hoạt động này.

"Lần đầu hiến máu sợ lắm, nhưng về sau thấy "nghiện". Sau mỗi lần hiến máu, sức đề kháng tăng lên, sức khỏe được cải thiện, hơn nữa mang đến sự sống cho người khác khiến chúng tôi thấy rất hạnh phúc", Cường bộc bạch.

Không chỉ tích cực trong hoạt động hiến máu, anh còn là thành viên rất sôi nổi trong vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện.

Đăng ký hiến tạng

Những người trẻ mang trong mình nhóm máu hiếm, họ không giữ lại làm của riêng mà chọn cách chia sẻ với mọi người, cho đi để nhận lại sự sống. Không dừng lại ở hiến máu cứu người, hiện chị Nguyễn Thị Nhâm còn đăng ký hiến tạng cho y học.

"Hiến máu và đăng ký làm thẻ hiến tạng là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất ở thời điểm hiện tại", chị Nhâm tâm niệm.

 Cầu thủ Đoàn Văn Hậu hiến máu: 'Mỗi người đều có thể làm điều gì đó cho người khác'

TTO - 'Mỗi người đều có thể làm được điều gì đó cho người khác, miễn là mình muốn chia sẻ. Nhất là giữa đại dịch COVID-19 này cần rất nhiều sự tương thân, tương ái từ mọi người' - Đoàn Văn Hậu tâm sự khi lần đầu đi hiến máu sáng 25-2.

Nguồn bài viết