Chứng khoán vẫn lao dốc, cổ phiếu dầu khí cũng giảm mạnh

2 năm trước 2099
Chứng khoán vẫn lao dốc, cổ phiếu dầu khí cũng giảm mạnh - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư cần hạ tỉ trọng các cổ phiếu đã vi phạm mức cắt lỗ trong ngắn hạn để đảm bảo an toàn cho tài sản trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro - Ảnh: BÔNG MAI

Thị trường chứng khoán vừa khởi động phiên giao dịch đầu tuần mới 14-3 nhưng đã có lúc giảm hơn 25 điểm.

Trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí gây chú ý sau một thời gian tăng nóng (từ giữa tháng 2), nay đối mặt với áp lực bán chốt lời của những người mua sớm và bán cắt lỗ của những nhà đầu tư mua trúng đợt suy giảm. 

Các dữ liệu giao dịch cho thấy mã GAS (PetroVietnam Gas) dẫn đầu top cổ phiếu gây áp lực khiến chỉ số VN-Index lao dốc. Trong nhóm dầu khí, các mã khác như PLX (Petrolimex), ASP (Tập đoàn dầu khí An Pha), CNG (CNG Việt Nam), TDG (Đầu tư TDG Global), PSH (Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu)... cũng bị nhà đầu tư bán mạnh, rơi vào cảnh rớt giá.

Như vậy, có thể thấy mặc dù giá xăng chính thức điều chỉnh tăng lên mức kỷ lục gần 30.000 đồng/lít vào cuối tuần qua nhưng đầu tuần này (14-3), hàng loạt cổ phiếu dầu khí vẫn bị bán mạnh vì giá cổ phiếu đã được nhà đầu tư đẩy lên cao trước đó. 

Song song đó, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có vốn hóa lớn khác cũng bị rớt giá, kéo thị trường đi xuống, như MSN (Masan), VHM (Vinhomes), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), BCM (Becamex), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), VIC (Vingroup), NVL (Novaland), VCB (Vietcombank)...

Ngược dòng thị trường, nhiều cổ phiếu khác vẫn nhận được lực mua tương đối như HVN (Vietnam Airlines), EIB (Eximbank), MBB (MBBank), STB (Sacombank), HDC (Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Xét theo lĩnh vực kinh doanh, chỉ số tất cả các ngành đều giảm, trong đó ngành năng lượng bị giảm mạnh nhất, tiếp đến là nhóm dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng, hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, bất động sản, nguyên vật liệu, công nghệ thông tin, tài chính, công nghiệp.

Quan sát diễn biến giao dịch, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT - nhận định yếu tố TA (phân tích kỹ thuật) bị mất hỗ trợ, thanh khoản tăng nhanh đi kèm lực ban khá "rát" theo dạng lệnh MP - bán ngay lập tức tại mức giá mua cao nhất trên thị trường là đặc trưng của các tài khoản cá nhân. 

Theo ông Tuấn, hiện tại chưa có thông tin gì mới nhưng áp lực đang hình thành gồm việc FED (Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ) tăng lãi suất, đáo hạn phái sinh và báo cáo về hoạt động cơ cấu danh mục của quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục).

Ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích chiến lược của Chứng khoán Yuanta - cho biết các nhà đầu tư ngắn hạn thận trọng hơn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính nhưng chiến lược ngắn hạn là nên thận trọng với xu hướng hiện tại. 

Theo đó, vị chuyên gia đưa khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao trong danh mục với tỉ trọng 55-60% danh mục, đồng thời xem xét cơ cấu giảm nhẹ tỉ trọng với các cổ phiếu đã vi phạm mức cắt lỗ trong ngắn hạn. 

"Nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, có thể cân nhắc nhịp hồi phục để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục và giữ tỉ trọng danh mục ở mức an toàn. Đồng thời, chỉ nên ưu tiên những cổ phiếu có nền tích lũy tích cực và đang thu hút dòng tiền", chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị. 

Trước đó, đội ngũ phân tích Chứng khoán SSI nhận định tín hiệu tiêu cực cho thấy chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ đầu tiên tại 1.450 - 1.445 điểm và vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo tại 1.425 - 1.400 điểm.

Dù xuất hiện dòng tiền mua vào nhưng vẫn không chống đỡ được áp lực thị trường. Chỉ số VN-Index khép phiên 14-3 với việc giảm đến 20,29 điểm (1,38%) xuống 1.446,25 điểm.

Cả sàn HNX và sàn UPCoM cũng giảm lần lượt 5,63 điểm (-1,27%) xuống 436,57 điểm và 0,32 điểm (-0,28%) xuống 115,05 điểm.

Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường trong phiên sáng đạt hơn 33.470 tỉ đồng, giảm gần 4% so với phiên trước.

Riêng nhà đầu tư nước ngoài tạm bán ròng hơn 705 tỉ đồng, trở thành phiên thứ tư liên tiếp bán ròng với tổng giá trị xấp xỉ 1.980 tỉ đồng.


Chiến sự tại Ukraine làm giá dầu, giá kim loại tăng, chứng khoán giảmChiến sự tại Ukraine làm giá dầu, giá kim loại tăng, chứng khoán giảm

TTO - Thị trường chứng khoán mất điểm, giá kim loại đạt mức cao kỷ lục và giá dầu tiếp tục tăng trong ngày 7-3 sau khi Mỹ bàn về việc cấm nhập khẩu với dầu thô của Nga - một động thái mà châu Âu kêu gọi thận trọng.

Nguồn bài viết