Chứng khoán tăng dè dặt, cổ phiếu ngân hàng dậy sóng

2 năm trước 194
Chứng khoán tăng dè dặt, cổ phiếu ngân hàng dậy sóng - Ảnh 1.

Phiên 8-12 chứng kiến cổ phiếu nhóm ngân hàng dậy sóng, tăng mạnh sau chuỗi ngày giảm liên tiếp - Ảnh: BÔNG MAI

Ở phiên giao dịch hôm nay 8-12, các cổ phiếu ngân hàng trở thành tâm điểm chú ý, dòng tiền đổ vào mua mạnh. Trong top 5 mã chứng khoán dẫn đầu đẩy VN-Index đi lên có 3 gương mặt thuộc ngành ngân hàng, gồm TPB (TPBank), VCB (Vietcombank) và BID (BIDV).

Nhìn cổ phiếu TPB tăng trần (+6,9%) lên 51.100 đồng, chị Hải Yến (nhà đầu tư, TP.HCM) không khỏi tiếc nuối: "Mấy ngày trước giảm, tôi định mua nhưng do dự, giờ tím lịm luôn rồi". Theo tìm hiểu, không ít nhà đầu tư cũng hối tiếc khi đã bán các cổ phiếu ngân hàng. Dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng "cắt lỗ" sai vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Nhiều chuyên gia cho biết, sở dĩ dòng tiền đổ vào nhóm ngân hàng vì thông tin được nới "room". Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 vừa công bố, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho hay Ngân hàng Nhà nước vừa nới room cho 11 ngân hàng. Trong đó có 4 ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20%, bao gồm TPBank (23,4%), Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBBank (21%). Tính chung hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.

Chứng khoán BIDV đánh giá, trong khi nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm, diễn biến trên giúp nhóm này có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.

Cũng trong phiên hôm nay, cổ phiếu NVL (Novaland) và HVN (Vietnam Airlines) đã góp công lớn kéo thị trường tăng trưởng đáng kể.

Dù vậy, ở chiều đối lập, nhiều cổ phiếu trụ bị nhà đầu tư bán ra, rớt giá đáng kể, trong đó phải kể tới VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), GEX (Gelex), VNM (Vinamilk), MSN (Masan)...

Diễn biến chỉ số các ngành có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi chỉ số ngành tài chính, năng lượng, hàng tiêu dùng, dịch vụ tiện ích, công nghiệp và bất động sản có phần đi lên, điều ngược lại diễn ra ở chỉ số ngành nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghệ thông tin và chăm sóc sức khỏe.

Sau hai phiên mua ròng liên tiếp, đến phiên hôm nay khối ngoại đã đảo chiều rút ròng hơn 125 tỉ đồng, trong đó tập trung vào cổ phiếu TCH (Tài chính Hoàng Huy), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), NVL (Novaland), SSI (Chứng khoán SSI), HDG (Tập đoàn Hà Đô)...

Chốt phiên giao dịch, chỉ số VN-Index vẫn giữ được sắc xanh, tăng nhẹ 6,1 điểm (+0,42%) lên 1.452,87 điểm. Thanh khoản sàn HoSE tương đối yếu, rơi vào mức 21.611 tỉ đồng.

Ở rổ VN30, sắc xanh cũng được duy trì đến cuối phiên, tăng 3,45 điểm (+0,28%) lên mốc 1.516,16 điểm.

Sàn HNX và rổ HNX30 cũng tăng lần lượt 3,33 điểm (+0,75%) lên 449,74 điểm và 12,69 điểm (+1,71%) lên 755,42 điểm. Riêng sàn HNX có thanh khoản 3.574 tỉ đồng.

Trong ngày, sàn UPCoM cũng nhích nhẹ 0,44 điểm (+0,4%) lên 111,29 điểm.

Tổng giá trị giao dịch trên ba sàn chính đạt hơn 26.618 tỉ đồng, giảm 4% so với phiên trước, giảm gần 53% so với phiên thanh khoản kỷ lục xác lập vào ngày 19-11.

Lần đầu tiên có 50% doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin trên sàn chứng khoánLần đầu tiên có 50% doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin trên sàn chứng khoán

TTO - Thông tin trên được công bố tại Lễ vinh danh doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR (quan hệ nhà đầu tư) tốt nhất 2021 được tổ chức ngày 7-12 do Vietstock, Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam VAFE, tạp chí FiLi tổ chức.

Nguồn bài viết