Chứng khoán giảm hơn 43 điểm, khối ngoại mua ròng

2 năm trước 195
Chứng khoán giảm hơn 43 điểm, khối ngoại mua ròng - Ảnh 1.

Chứng khoán lao dốc trong phiên 17-1. Trong ảnh: nhân viên một công ty chứng khoán ở TP.HCM đang theo dõi một phiên giao dịch - Ảnh: BÔNG MAI

Mặc dù trong phiên sáng đầu tuần 17-1, các chỉ số chứng khoán vẫn còn dùng dằng trong sắc xanh, nhưng bước vào phiên chiều, lực bán trở nên áp đảo khiến thị trường lao dốc mạnh. 

Hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn như VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MSN (Masan), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), BCM (Đầu tư và phát triển Công nghiệp), VRE (Vincom Retail), VPB (VPBank), NVL (Novaland), TCB (Techcombank)… chịu cảnh rớt giá, gây áp lực lớn lên chỉ số VN-Index. 

Từ sau vụ ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu (10-1) đến nay, riêng mã FLC (Tập đoàn FLC) bị giảm gần 34%, hiện đang neo ở mốc sàn 15.000 đồng/cổ phiếu. 

6 thành viên khác thuộc "họ FLC" đều bị giảm điểm mạnh. Trừ mã GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) vẫn giữ sắc đỏ, các mã còn lại đều bị rớt xuống giá sàn xanh lơ, dư bán sàn, trắng bên mua, mất thanh khoản như: ROS (Xây dựng FLC Faros, 10.500 đồng), HAI (Nông dược H.A.I, 6.910 đồng), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone, 7.180 đồng), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS, 6.400 đồng), ART (Chứng khoán BOS, 10.100 đồng).

Hôm nay ngược dòng thị trường, cổ phiếu VCB (Vietcombank), HAG ( Hoàng Anh Gia Lai), KHG (Khải Hoàn Land), PVD (Khoan và dịch vụ khoan dầu khí), HVN (Vietnam Airlines), MBB (MBBank), SJS (Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà)… vẫn nhận được lực mua tốt. Dù vậy vẫn không chống đỡ nổi áp lực chủ đạo trên toàn thị trường. 

Trong ngày, chỉ số của các nhóm ngành đều giảm, trong đó nhóm giảm mạnh rơi vào công nghiệp, nguyên vật liệu, bất động sản, dịch vụ tiện ích, tài chính…

Cung áp đảo cầu, chỉ số VN-Index chốt phiên giao dịch sau khi rớt 43,18 điểm (-2,89%) xuống 1.452,84 điểm - mốc thấp nhất trong vòng hơn một tháng nay (kể từ phiên 8-12-2021), đồng thời giảm gần 76 điểm kể từ phiên kỷ lục lịch sử lập vào 6-1-2022 (1.528,57 điểm). Hôm nay, riêng sàn HoSE có tới 446 mã giảm giá (128 mã nằm sàn), nhiều hơn 9 lần mã tăng giá. Thanh khoản đạt hơn 31.244 tỉ đồng.

Sàn HNX và rổ HNX30 đã bị giảm điểm một mạch từ cuối phiên sáng kéo dài đến khi chốt phiên chiều, lần lượt giảm 21,52 điểm (-4,61%) xuống 445,34 điểm và 39,03 điểm (-4,75%) xuống 782,92 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HNX đạt hơn 4.006 tỉ đồng.

Về phần sàn UPCoM cũng bị mất 2,86 điểm (-2,55%) xuống 109,36 điểm.

Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường bao gồm ba sàn lớn HoSE, HNX và UPCoM đạt hơn 37.240 tỉ đồng, tương đương 1,6 tỉ USD. 

Điểm sáng trong ngày là khối ngoại mua ròng xấp xỉ 180 tỉ đồng, trở thành phiên thứ hai mua ròng liên tiếp với tổng giá trị hơn 965 tỉ đồng.

Từ vụ Trịnh Văn Quyết, phải ngăn Từ vụ Trịnh Văn Quyết, phải ngăn 'bán chui' cổ phiếu phá thị trường

TTO - Nhiều nhà đầu tư "bủn rủn tay chân" khi vừa đua mua giá trần cổ phiếu FLC, nhưng ngay sau đó lại bị âm tài khoản mới hay tin chủ tịch bán cổ phiếu "chui". Quy định hiện tại chưa đủ sức răn đe?

Nguồn bài viết