Chứng khoán 'bốc hơi' thành quả gần một tháng nay, khối ngoại bán ròng 8.000 tỉ suốt 10 phiên

3 năm trước 441
Chứng khoán bốc hơi thành quả gần một tháng nay, khối ngoại bán ròng 8.000 tỉ suốt 10 phiên - Ảnh 1.

Phiên 23-8 áp lực bán tiếp tục dâng cao. Trong ảnh là nhà đầu tư theo dõi thị trường chứng khoán - Ảnh: BÔNG MAI

Cùng với những tin tức liên quan đến dịch COVID-19, sắc đỏ bao phủ toàn thị trường chứng khoán ngay từ mở đầu cho đến lúc kết phiên giao dịch 23-8.

Lực bán đổ dồn vào cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn như Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR), Masan (MSN), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Vingroup (VIC)… Nhiều ngân hàng cũng chứng kiến cổ phiếu bị rớt giá, bao gồm Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), BIDV (BID), MBBank (MBB), ACB (ACB)…

Giữa lúc đó, dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu của Novaland (NV), Đầu tư Hải Phát (HPX), Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM), Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM), Vinacafé Biên Hòa (VCF)…

Thị trường lao dốc, chỉ số cổ phiếu thuộc ngành năng lượng, tài chính, hàng tiêu dùng thiết yếu, nguyên vật liệu, công nghiệp, công nghệ thông tin, bất động sản… đều giảm.

Tuy nhiên, niềm vui tăng giá cổ phiếu vẫn hiện diện ở nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, trong đó cổ phiếu của Công ty cổ phần SPM (SPM), Dược phẩm Phong Phú (PPP) tăng trần.

Đặc biệt, khi hầu hết các lĩnh vực khác kinh doanh khó khăn, nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng vào việc kinh doanh tích cực của các công ty chứng khoán trong thời điểm dịch bệnh. 

Cụ thể, tất cả các mã cổ phiếu của các công ty chứng khoán đều tăng điểm, trong đó gần một nửa thành viên tăng trần, điển hình là Chứng khoán Agribank (AGR), Chứng khoán APG (APG), Chứng khoán Everest (EVS), Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), Chứng khoán Hòa Bình (HBS), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Chứng khoán Thiên Việt (TVS)...

Dù lực mua xuất hiện, nhưng vẫn không chống đỡ được áp lực bán diễn ra trên diện rộng.

Chốt phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index chính thức giảm 30,57 điểm (-2,3%) xuống 1.298,86 điểm, mức thấp nhất trong vòng gần một tháng nay kể từ phiên 30-7. Thanh khoản sàn HoSE đạt gần 25.819 tỉ đồng, thấp hơn 33% so với phiên liền trước.

Rổ VN30 có mức giảm mạnh hơn, khi rớt 38,45 điểm (-2,65%) xuống 1.412 điểm.

Sàn HNX và rổ HNX30 cũng lần lượt giảm 3,22 điểm (-0,95%) xuống 334,84 điểm và 0,08 điểm (-0,01%) xuống 553,27 điểm.

Như vậy, trải qua hai phiên liên tục "đỏ lửa" với việc VN-Index giảm tổng cộng gần 76 điểm, nhiều mã chứng khoán trong danh mục của không ít nhà đầu tư đã rơi vào trạng thái âm.

Thanh khoản toàn thị trường trên ba sàn chính gồm HoSE, HNX và UPCoM đạt hơn 31.972 tỉ đồng, giảm hơn 34% so với phiên trước.

Hôm nay khối ngoại bán ròng hơn 343 tỉ đồng, trở thành phiên bán ròng thứ 10 liên tiếp với tổng giá trị xấp xỉ 8.036 tỉ đồng.

EU chấp thuận chứng khoán hóa để hỗ trợ các doanh nghiệpEU chấp thuận chứng khoán hóa để hỗ trợ các doanh nghiệp

Với ngân sách dự kiến 1,4 tỉ euro, những sản phẩm mới sẽ giúp huy động ít nhất 13 tỉ euro cho vay mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nguồn bài viết