Chủ động phòng chống cháy rừng khi thời tiết khô hanh kéo dài

1 tuần trước 15

Ở tỉnh Hải Dương rừng tập trung chủ yếu là thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn, đây là những nơi nguy cơ cháy rừng cao nhất của tỉnh. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương đã nâng mức cảnh báo cháy rừng ở đây lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ cháy rừng lớn nếu xảy ra cháy và tốc độ lửa sẽ lan tràn rất nhanh).

Chú thích ảnhLực lượng chức năng kiểm tra các cây khô bị đổ do bão số 3 ở thành phố Chí Linh.

Tại các địa phương có rừng, cơn bão số 3 vừa qua đã làm nhiều diện tích rừng bị gẫy đổ, những cây gẫy, đổ sau thời gian bị khô cũng là vật liệu dễ gây ra cháy rừng.

Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 11.000 ha rừng ở thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn; trong đó, có trên 1.500 ha rừng đặc dụng, gần 4.700 ha rừng phòng hộ còn lại là rừng sản xuất. Bão số 3 vừa qua tỉnh có 2.600 ha rừng bị thiệt hại do bão, cây rừng gẫy đổ, cành lá vương vãi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy.

Mới đây nhất, ngày 7/11, tại xã Hiệp Hòa, thị xã Kinh Môn đã xảy ra cháy hơn 1 ha rừng. Mặc dù, lượng cây gãy đổ sau bão số 3 ở khu vực này ít hơn nơi khác nhưng do lớp thực bì dày cộng thêm thời tiết hanh khô nên ngọn lửa bùng lên và lan nhanh.

Ngay sau khi phát hiện đám cháy, lực lượng chức năng đã huy động hàng trăm người ở xung quanh khu vực để dập lửa. Sau hơn 1 giờ đám cháy được khống chế hoàn toàn. Trước đó, tại một số xã, phường của thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh cũng xảy ra đám cháy nhưng đã kịp thời được khống chế.

Chị Vi Thị Huệ, thôn Hố Sếu, xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh cho biết, gia đình chị trông coi hơn 10 ha rừng ở địa phương. Sau cơn bão số 3 vừa qua rừng đổ nhiều, nhiều cây đổ đã bị khô nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng lớn. Gia đình chị thường xuyên phải đi thu gom những cành khô, cây khô bị đổ, thu dọn thực bì dễ cháy trong rừng đến nơi quy định để xử lý. Chị Huệ cũng thường xuyên đi kiểm tra rừng, khi phát hiện đám cháy thì trực tiếp thông báo cho chính quyền địa phương để có phương án huy động người và phương tiện để chữa cháy.

Anh Lê Khả Hưng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Côn Sơn, thành phố Chí Linh chia sẻ, là cán bộ kiểm lâm địa bàn, trạm thường xuyên tham mưu cho chính quyền địa phương các xã tích cực tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy trên hệ thống truyền thanh, thông tin ở địa phương; thường xuyên vận động người dân trong thời gian cảnh báo cháy rừng cấp V tuyệt đối không được tự ý sử dụng lửa ở gần rừng cũng như ở trong rừng. Trạm cũng tham mưu cho các địa phương tổ chức ký cam kết với người dân về tích cực tuần tra bảo vệ rừng, không được tự ý đốt, dọn trong rừng.

Anh Hoàng Công Thịnh, Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng Bắc Chí Linh, Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương cho biết, trạm thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân nhận giao khoán rừng cũng như các hộ dân sống xung quanh rừng về tăng cường phòng chống cháy rừng.

Trong đợt cao điểm về phòng chống cháy rừng Ban Quản lý rừng tỉnh đã tổ chức trực tuần tra 24/24h tại các khu vực trọng điểm xảy ra cháy rừng. Ban quản lý rừng cũng thường xuyên vận động người dân thu gom cành khô, vật liệu dễ cháy ra khỏi rừng để hạn chế nguy cơ cháy rừng.

Chú thích ảnhLực lượng chức năng tuần tra rừng ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa hanh khô trên địa bàn, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, Ban Quản lý rừng và Ủy ban nhân dân các xã, phường có rừng cần tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng trong khoảng thời gian từ 15-19 giờ hàng ngày tại các khu vực trọng điểm cháy, đặc biệt là diện tích rừng giáp ranh với các khu di tích lịch sử, khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Ngoài ra, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào rừng nhằm phát hiện sớm, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời, đảm bảo lực lượng thường trực 24/24 giờ trong ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Mỗi địa phương có rừng cần chuẩn bị sẵn sàng phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra cháy lớn.

Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, mùa khô năm nay, Hải Dương xác định 10 trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; trong đó, thành phố Chí Linh có 6 trọng điểm gồm Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu vực đền thờ thầy giáo Chu Văn An, rừng thông xã Bắc An, vùng trồng thông, keo phường Hoàng Tiến, xã Hoàng Hoa Thám, phường Phả Lại, xã Hưng Đạo, rừng đặc dụng phường Văn Đức và phường Thái Học. Tại thị xã Kinh Môn có 4 trọng điểm gồm: khu rừng thuộc di tích đền Cao An Phụ, khu rừng phòng hộ trồng thông, keo giữa 2 xã Lê Ninh và Quang Thành, rừng thông thuần phường Hiệp Sơn, rừng thông, keo phường Tân Dân.

Nguồn bài viết