Chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng khi nắng nóng kéo dài

7 tháng trước 58
Chú thích ảnhLực lượng phòng chống cháy rừng tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An) vận hành thử các thiết bị chữa cháy.

Ngành chức năng tỉnh đang tích cực phối hợp với các chủ rừng triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng, nhằm hạn chế tối đa số vụ cháy và thiệt hại.

Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng, Long An) là nơi sinh sống của hơn 150 loài thực vật, 148 loài chim gồm nhiều loài có tên trong Sách Đỏ; 78 loài thủy sản nước ngọt, trong đó có 27 loài đặc hữu sông Mekong như: Cá tra dầu, cá lóc bông, cá linh...

Khu vực này có tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 2.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm gần 1.200ha, chủ yếu là rừng tràm. Hiện tại, do nắng nóng kéo dài làm cho các lớp thực bì khô dễ bắt lửa, mực nước trong các kênh rạch xuống thấp, nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Trong khi đó, rừng nơi đây được bố trí theo từng phân khu với diện tích từ 150 - 200ha, trường hợp xảy ra cháy sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn lửa.

Ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen cho biết, nhằm đối phó với nguy cơ cháy rừng, Khu Bảo tồn bố trí 4 chốt cùng 4 tháp canh lửa và lực lượng, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng ở nhiều khu vực trọng yếu. Đơn vị cũng thường xuyên tuyên truyền người dân sống quanh khu vực nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng mùa khô; vận động 100% hộ dân trong khu vực ký cam kết phòng, cháy chữa cháy rừng; bố trí phương tiện phòng, chống cháy rừng, thường xuyên kiểm tra, vận hành máy chữa cháy chuyên dụng và phương tiện vận chuyển.

Tương tự, tại Lâm trường Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, Ban Quản lý lâm trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, các tổ phòng, chống cháy rừng được thành lập gồm các thành viên lâm trường và người dân trong khu vực.

Ông Lê Anh Đạt, Phụ trách Lâm trường Vĩnh Lợi cho biết, Lâm trường hiện có hơn 1.100 ha rừng tràm. Hiện nay đang vào cao điểm mùa khô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Ngoài việc thành lập các tổ phòng, chống cháy rừng, tổ chức bảo vệ 24/24, Lâm trường cũng tổ chức nạo vét kênh rạch trong khu vực, trang bị thêm các thiết bị chuyên dụng… nhằm chủ động đối phó trong trường hợp xảy ra cháy.

Chú thích ảnhLực lượng bảo vệ Lâm trường Vĩnh Lợi (Tân Hưng, Long An) thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng.

Theo ông Lê Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An, nắng nóng kéo dài đã làm gia tăng nguy cơ cháy rừng trên địa bàn lên mức độ cực kỳ nguy hiểm. Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt Kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024, nhằm chủ động ứng phó kịp thời các nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra; đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng.

Theo đó, các đơn vị tập trung triển khai, yêu cầu các chủ rừng có trách nhiệm chủ động triển khai giải pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa, cháy rừng như: xây dựng đê bao giữ nước, các bến lấy nước chữa cháy tại các đập, kênh dẫn nước nội đồng đảm bảo phương tiện chữa cháy tiếp cận dễ dàng; xây dựng đường băng cản lửa; tổ chức lực lượng làm giảm khối lượng vật liệu cháy trong rừng; thực hiện nghiêm biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo cấp dự báo cháy rừng, từ cấp I (cấp thấp, ít có khả năng cháy rừng) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm, thời tiết khô, hạn, kiệt kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng). Các biện pháp chữa cháy rừng phải kịp thời, chính xác, khẩn trương, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Song song đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các địa phương, các đơn vị chủ rừng về an toàn phòng, chống cháy rừng và kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, khả năng huy động lực lượng, phương tiện khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn.

Theo Chi cục Kiểm lâm Long An, toàn tỉnh hiện có hơn 21.000ha rừng, trong đó có gần 18.000ha rừng tràm kinh tế, còn lại là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, chủ yếu là cháy khu vực hành lang, đồng cỏ khô, thực bì…; Không xảy ra cháy nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người dân.

Nguồn bài viết