Chủ tịch Quốc hội: Phải hỗ trợ doanh nghiệp

2 năm trước 399
 Phải hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu - Ảnh: NAM TRẦN

Phát biểu kết luận Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 vào chiều 5-12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến góp ý, kiến nghị chính sách về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế bền vững của các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. 

Nhận định dịch COVID-19 gây tổn thất rất nặng nề cho các nước trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ, ông Huệ nhấn mạnh trong bối cảnh đặc biệt thì cần có giải pháp đột phá.

Các chính sách của chúng ta lần này là không chỉ khắc phục hậu quả của khủng hoảng y tế mà phải tính toán lâu dài tái cấu trúc nền kinh tế để phát triển xanh và số hướng tới bền vững. Nên cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Do vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân chính là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phát triển hệ thống ngân hàng. 

"Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bởi không có doanh nghiệp thì không có thuế, không có doanh nghiệp thì ngân hàng thương mại chơi với ai" - ông Huệ nói.

Dẫn chứng về lợi ích của chính sách hỗ trợ qua giảm thuế, phí, theo Chủ tịch Quốc hội, vừa rồi giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước nhưng tổng số thu lệ phí trước bạ tăng lên do người dân tăng mua xe.

Do đó, đánh giá cao các gợi ý chính sách của chuyên gia về giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ người dân qua đó kích cầu tiêu dùng trong nước, ông Huệ cho rằng nếu giảm 2% thuế giá trị gia tăng hàng hóa dịch vụ có thể tác động thu ngân sách là 70.000 - 80.000 tỉ đồng. Nên trường hợp vẫn giữ mức thuế như hiện nay rồi lấy 80.000 tỉ đồng để trợ cấp cho người dân, hoặc giảm thuế để hỗ trợ người dân.

"Tôi rất chú ý với báo cáo của đại diện Ngân hàng Thế giới về kinh nghiệm của thế giới áp dụng chính sách thuế, nhất là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp không có lãi, thậm chí bị lỗ. Nếu chính sách miễn, giảm thuế thu nhập thì kinh doanh có lãi đâu mà doanh nghiệp được hưởng lợi. 

Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa tích cực lắm việc này. Các anh ấy nói thế giới không làm thế nhưng ý kiến Ngân hàng Thế giới là có. Chúng tôi đã đưa tài liệu cho Bộ Tài chính rồi nhưng các đồng chí nói Việt Nam không làm được" - ông Huệ nhấn mạnh.

Thực tế, ông Huệ cho rằng trong Luật thuế thu nhập có quy định hỗ trợ cho bình đẳng giới, nghĩa là cho khấu trừ nhiều hơn chi phí đối với lao động nữ hơn mức thực tế. Trong đợt dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp có chi phí đầu vào rất lớn, chịu không thấu do phải thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến"… 

Nên Nhà nước ứng trước thuế cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tồn tại và vượt qua khó khăn thì sau này sẽ nộp thuế cho Nhà nước. Và Chủ tịch Quốc hội cho hay ông đã rất nhiều lần nêu về việc các nước đã áp dụng chính sách này rồi nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa làm. 

Để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, Quỹ phát triển khoa học tại doanh nghiệp đang có 1 tỉ USD - được trích ra từ lợi nhuận đang nằm trong doanh nghiệp mà không tiêu được. Quy định hiện nay chỉ dùng cho nghiên cứu khoa học.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề chúng ta có thể cho doanh nghiệp dùng quỹ này để chuyển đổi số được không? Nên cho doanh nghiệp sử dụng để chuyển đổi số thì quá tốt, nếu vướng mắc gì về luật pháp thì phải tháo gỡ.

Cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệpCần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

TTO - Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Nguồn bài viết