Chủ tịch Quốc hội: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh 'mù mờ thì chết anh em thôi'

1 năm trước 173
 Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mù mờ thì chết anh em thôi - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: PHẠM THẮNG

Sáng 14-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Mù mờ càng khó, tự mình làm khó mình

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã quy định các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; lợi nhuận hoặc tích lũy dự kiến (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; giá trị vô hình của thương hiệu (nếu có).

Nêu ý kiến thảo luận về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ việc sáng sớm có cán bộ trách nhiệm rất cao gọi điện cho ông về vấn đề giá trị vô hình của thương hiệu và bày tỏ rất lo lắng về nội dung liên quan.

Ông cho hay khi đó ông bảo làm gì có nhưng giờ đọc lại dự luật, đúng có quy định nội dung này. Ông nói việc quy định giá trị vô hình của thương hiệu cần rất cân nhắc bởi trong quá trình vận hành sẽ không tính được và cũng chẳng ai tính cho.

"Mù mờ thế này thì chết anh em thôi", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và cho biết hiện nay Bộ Tài chính cũng đang phải sửa nghị định có nêu vấn đề này.

Ông Huệ nói giá thành dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong dự thảo quy định bao gồm 5 loại chi phí cụ thể là nhân công, hàng hóa, khấu hao, quản lý và chi phí khác.

Đến nay chúng ta mới tính được phần chi phí nhân công, hàng hóa, còn chi phí khấu hao và quản lý thì có lộ trình để tính đúng, tính đủ nhưng do tình hình khó khăn nên chưa làm được, đồng thời, mệnh giá bảo hiểm cũng chưa nâng lên được.

"Giờ có thêm chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thì tôi không hiểu chi phí khác là chi phí gì? Bộ Tài chính nên phải xem chỗ này bởi "mù mờ càng khó, tự mình làm khó mình.

Tới đây cơ quan, đoàn giám sát của Quốc hội hỏi chi phí khác không thấy tính là không được. Hiện nay là 4 loại, giờ lại thành 5 nhưng là gì phải rõ, ai quy định", ông Huệ nói thêm.

Nhà nước lo cho người nghèo, thu nhập thấp thôi

Đối với nội dung Bộ Y tế quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, ông Huệ đề nghị phải rà soát, sửa lại.

Ông chỉ rõ chúng ta đang phấn đấu có cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao để tránh "chảy máu ngoại tệ" khi hằng năm bao nhiêu USD đi sang Hong Kong, Singapore, Nhật Bản khám chữa bệnh.

Trong khi đó cơ sở nhà nước hoàn toàn có thể làm trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao theo yêu cầu.

Ông Huệ đề nghị nên quy định rõ giá dịch vụ gồm những gì và cần tính đúng, tính đủ. Đồng thời Nhà nước mà cụ thể là Chính phủ, Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đối với các dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Cũng theo ông Huệ, hiện nay mệnh giá bảo hiểm y tế của chúng ta "quá thấp" chỉ khoảng 40 - 50 USD trong khi danh mục rất nhiều. Giờ nâng mệnh giá bảo hiểm lên sẽ liên quan đến khả năng chi trả của người dân và Nhà nước. Vì thế phải có lộ trình.

Nhưng nguyên tắc phải tính đúng, tính đủ và lộ trình nên quy định trong luật vì đã quy định thì phải thực hiện. Muốn thực hiện phải có tài chính đi kèm, tức bố trí tăng mệnh giá bảo hiểm y tế lên.

Về việc chỉ tính giá dịch vụ với các dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, ông Huệ cho rằng các dịch vụ khác theo yêu cầu, không quy định giá “trần”.

“Nhà nước lo cho người nghèo, thu nhập thấp thôi. Người có khả năng chi trả thì thị trường quyết định. Cơ sở nào tốt, dịch vụ tốt, giá cả phải chăng người ta vào.

Chúng ta đang hình thành trung tâm khám chữa bệnh cao cấp. Bác sĩ mình giỏi, chả kém nước ngoài đâu”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Nhà nước chỉ điều tiết, chứ không nên cấm đoán.

Ông nói thêm đương nhiên bài toán chỗ này phải tính toán hài hòa và khả năng tiếp cận dịch vụ.

Theo chương trình, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào đầu năm 2023.


 Đấu thầu thuốc mất 6-8 tháng nhưng thời gian ký hợp đồng chỉ 1 nămBộ trưởng Đào Hồng Lan: Đấu thầu thuốc mất 6-8 tháng nhưng thời gian ký hợp đồng chỉ 1 năm

TTO - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay việc mua sắm thuốc, trang thiết bị phải thực hiện đấu thầu với quy trình, thủ tục nhiều bước, thường mất từ 6 - 8 tháng nhưng thời gian ký hợp đồng chỉ có 1 năm, dẫn đến không đảm bảo tính kịp thời trong cung cấp.

Nguồn bài viết