Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh: N.AN
Thông tin dự án đầu tư nông nghiệp tại Campuchia, ông Trần Bá Dương - chủ tịch Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) - cho biết ngay sau khi tiếp nhận dự án của Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2018, Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải - Thagrico (công ty con của Thaco) đã thực hiện tái cơ cấu nợ, đầu tư với tổng vốn đăng ký 388 triệu USD.
Theo đó, Thagrico đã thực hiện chuyển đổi một phần lớn diện tích cây cọ dầu, cây cao su sang trồng mới cây ăn trái chủ lực là chuối, dứa, xoài và chăn nuôi bò sinh sản; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, lưới điện, đập chứa nước, xây dựng 24 nhà máy sơ chế đóng gói chuối, triển khai các dự án điện mặt trời, nhà ở công nhân, nhà máy sản xuất, phương tiện vận tải…
Tuy vậy, do tác động dịch bệnh gây thiếu công nhân lao động, giá vật tư tăng cao, việc đi lại giữa các cửa khẩu khó khăn, trái cây đến vụ thu hoạch phải bỏ trên vườn. Dự kiến năm 2021, sản lượng thu hoạch và xuất khẩu trái cây của công ty ước đạt 250.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 151 triệu USD, đảm bảo việc làm cho 15.900 lao động.
Dự kiến năm 2022, Thagrico tiếp tục chuyển đổi cây trồng, kết hợp chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt với quy mô đầu tư khoảng 100 triệu USD, và nếu chuyển đổi đồng bộ sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD, sản lượng đạt 416.000 tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 500 triệu USD.
Cùng với việc đầu tư, năm 2021 Thagrico đã thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp cho người Việt ở Biển Hồ đến làm việc tại các dự án với mức thu nhập từ 250 - 350 USD/tháng, xây dựng khu nhà ở, tập trung đầy đủ tiện ích, hạ tầng.
Do đó, để hỗ trợ hơn nữa cho người Khmer gốc Việt sinh sống lâu đời trên Biển Hồ và người Campuchia chuyển đổi nghề nghiệp, ông Dương bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, là cầu nối quan trọng với các bộ, ngành và Chính phủ tại Campuchia cùng tháo gỡ vướng mắc.
Chủ tịch nước chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án của Thagrico - Ảnh: N.AN
Để tháo gỡ khó khăn và thực hiện các dự án trên, ông Dương kiến nghị cần tháo gỡ việc thiếu điện, khắc phục tình trạng thiếu lao động, tăng số đầu xe vận chuyển lên 700 xe, chạy thông suốt cả nước.
Chia sẻ về việc đầu tư tại Campuchia, ông Dương cho hay nếu các dự án của Việt Nam làm tốt, làm hiệu quả sẽ được bạn ủng hộ. Ông dẫn chứng vừa rồi bạn đã đồng ý cho ta xây dựng sân bay để doanh nghiệp mua máy bay phục vụ phun thuốc.
Ông Trần Quốc Phương - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư - cho hay xu hướng đầu tư vào Campuchia ngày càng mở rộng và đạt hiệu quả khi đến nay có 188 dự án với tổng vốn đăng ký 2,85 tỉ USD.
"Đầu tư của Việt Nam tại Campuchia có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn, một số dự án có hiệu quả, hứa hẹn sự hợp tác đầu tư" - ông Phương nói.
Tuy vậy, ông cũng cho rằng hoạt động đầu tư kinh doanh gặp không ít khó khăn, thách thức, hệ thống quy định pháp luật về đầu tư trong quá trình hoàn thiện, có nhiều thay đổi, chưa đồng bộ, nhất quán. Doanh nghiệp còn đối mặt khó khăn hạn chế trong di chuyển, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, thiếu hụt lao động, cạnh tranh…
Ghi nhận các ý kiến và sự nỗ lực của doanh nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Hun Sen, ông đã đề nghị giải quyết nhanh chóng những kiến nghị của Việt Nam như việc thu phí 5G, các thủ tục qua biên giới, quan tâm tạo điều kiện hợp tác nói chung và doanh nghiệp Việt Nam…Về chính sách, Chủ tịch nước cho biết sẽ tập trung tháo gỡ về lãi suất, vốn vay, xây dựng để có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư ở Việt Nam tại Campuchia; thực hiện bảo hộ đầu tư, bảo hộ tài sản...