Chủ tịch FFA: Không lý do gì để dùng ethylene oxide khi làm mì gói

3 năm trước 224
 Không lý do gì để dùng ethylene oxide khi làm mì gói - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp sản xuất mì gói trong nước đang gặp khó tại một số thị trường xuất khẩu ở châu Âu trong thời gian qua - Ảnh: T.L.

Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA) - khẳng định với Tuổi Trẻ Online thông tin trên khi đề cập đến việc các sản phẩm mì gói ăn liền xuất khẩu của Việt Nam vừa bị một số nước của Liên minh châu Âu (EU) thu hồi do có chứa ethylene oxide, vi phạm chỉ thị số 91/414/EEC của EU.

Theo bà Chi, vì ethylen oxide diệt khuẩn salmonella (khuẩn gây tiêu chảy, thương hàn) tuyệt hảo, nên cũng được dùng để diệt khuẩn trong các loại gia vị như bột tiêu, bột nghệ, bột gừng, ớt khô, mè, các gói gia vị hỗn hợp… hoặc các loại bánh có hạt như hạt điều, hạt óc chó, hạt dẻ…

Do vậy, một số sản phẩm mì ăn liền của các công ty tại Việt Nam hay kể cả sản phẩm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… xuất khẩu đi châu Âu bị cảnh báo có ethylene oxide, bị buộc thu hồi có khả năng "là tồn dư trong nguyên liệu có nguồn gốc từ nông sản vì như đã nói, ethylene oxide dùng diệt khuẩn, nấm mốc trong các loại gia vị, rau củ", bà Chi thông tin.

Đặc biệt, theo bà Chi, trong quy trình sản xuất mì ăn liền, có một bước rất quan trọng là công đoạn chiên để làm khô các sợi mì và chiên bằng dầu thì nhiệt độ sẽ tăng lên rất cao, có thể hàng nghìn độ, làm các vi sinh vật, nấm... đều bị tiêu diệt.

"Vì vậy,  tôi nghĩ rằng trong các quy trình sản xuất mì ăn liền, doanh nghiệp không có lý do gì để sử dụng chất ethylene oxide vào khử khuẩn", bà Chi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Chi cho rằng, do mỗi quốc gia đều có những quy định an toàn vệ sinh thực phẩm khác nhau, do có sự khác nhau về cơ địa, thói quen sinh hoạt ăn uống của người dân, môi trường, điều kiện khí hậu, điều kiện nuôi trồng của nguồn nguyên liệu ban đầu nên "thu hồi ở quốc gia này không có nghĩa là không được sử dụng ở quốc gia khác chiếu theo tỉ lệ hàm lượng mà từng nước quy định".

Mặt khác, việc EU liên tục thay đổi và cập nhật các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm không phải là điều mới xảy ra. 

Đơn cử như các doanh nghiệp ngành thủy sản đã phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp thay đổi nhằm đáp ứng các quy định ban hành mới của EU trong quá trình xuất khẩu thời gian qua.

Do đó, với những trường hợp vừa phát sinh của Công ty cổ phần Acecook hay của Công ty cổ phần Thiên Hương, theo bà Chi, FFA đã đề nghị doanh nghiệp cần kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, cũng như luôn cập nhật mọi thông tin, quy định mới từ thị trường các nước châu Âu trước khi sản xuất để việc xuất khẩu không xảy ra những sự cố đáng tiếc như trên.

Theo FFA, trong giai đoạn dịch bệnh ảnh hưởng trên toàn mặt của xã hội, nhất là về kinh tế, các doanh nghiệp đang phải gồng mình sản xuất để vừa cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân, vừa thực hiện "3 tại chỗ", đảm bảo an toàn và điều kiện ăn ở cho công nhân.

"Chúng ta cũng đừng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp để họ an tâm sản xuất, phục vụ thực phẩm cho người dân. Người tiêu dùng cần bình tĩnh, nhận định thông tin rõ ràng, chính xác để tránh thêm sự lo lắng không cần thiết, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay", đại diện FFA bày tỏ quan điểm.

Chính phủ yêu cầu báo cáo về vụ Chính phủ yêu cầu báo cáo về vụ 'chất cấm' trong mì Hảo Hảo xuất khẩu

TTO - Bộ Công thương được đề nghị kiểm tra và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thông tin phản ánh sản phẩm mì ăn liền của Hảo Hảo xuất khẩu có chất cấm.

Nguồn bài viết