Cái bếp vậy mà giữ nhiều bí mật - Ảnh: MINH PHÚC
Ở đó có bếp lửa hồng rực ấm áp, có mùi khói bám vào áo của má, mùi củi cháy, mùi lá đốt... bám vào những gương mặt lem nhem nhưng rất rộn ràng - bếp đúng kiểu "chái bếp hiên sau". Và những món ăn vặt thuở ấy cũng là "nhà trồng được".
Món đầu tiên để nhớ ở cái bếp xưa cũ ấy hẳn là món cơm cháy. Cơm nấu trong nồi gang, đun bằng củi nên để có được lớp cơm cháy giòn rụm thơm phức là cả một nghệ thuật. Người nấu phải hạ nhỏ lửa, bớt củi, cời than để sao cho lớp cháy vừa giòn mà không bị cháy khét.
Trước món cơm cháy là món nước cơm, tức nước chắt ra lúc cơm sôi, hạt gạo vừa mẩy. Món nước cơm cho thêm chút đường có lẽ là món uống của con nhà nghèo, béo ngậy ngọt ngào cả một tuổi thơ thiếu thốn.
Anh hai lớn nhất nên luôn đảm nhiệm phần nấu cơm. Mấy đứa em sau khi tắm rửa sạch sẽ ngồi quanh bếp chờ. Canh nồi cơm đã đủ độ cho lớp cháy, anh sẽ lấy đũa bếp xới lên và khượi phần cơm cháy bao quanh đáy nồi, bẻ ra chia cho mấy đứa em mỗi đứa một miếng.
Nếu có mỡ trong chạn, anh sẽ múc rưới lên miếng cơm thơm giòn một cách rất dè xẻn, rắc thêm xíu muối. Ăn nhanh xong miếng của mình, miệng vẫn còn thèm, đứa nhỏ nhất thể nào cũng sẽ được má hay anh nhường thêm miếng nữa.
Bếp bữa ấy nếu có bắp hay khoai thì má sẽ nướng để dành cho buổi tối, bởi ở nhà quê hay ăn cơm sớm trước chiều. Buổi tối, mấy cái bụng con nít sẽ lại đoi đói. Bắp với khoai cứ vùi trong than cho đến lúc cháy đen bên ngoài vỏ thì bên trong mới chín tới.
Cạo lớp vỏ đen, bẻ miếng khoai nướng bốc khói nóng rực, hay nhai những hạt bắp già nở bung ra dưới sức nóng của than, sao mà ngon không tả xiết. Mùi khoai, mùi bắp nướng cứ lộng lẫy quấn quýt và ấm sực, tách biệt với cả một vùng mưa loang ướt đầm đìa lẹp nhẹp bên ngoài.
Nếu hôm nào nhà có mít chín, ăn xong má sẽ dặn để dành hột, rửa sạch rồi đem vùi dưới tro nóng. Đám con nít ngồi quanh sẽ đọc bài đồng dao mà không biết ở trong đầu hồi nảo hồi nào, "Xù xì xụt xịt, hột mít lùi tro, ăn no té địt...", rồi cười rôm rả vì đứa đọc lên sẽ chỉ vào một đứa lúc kết thúc bài đồng dao.
Vậy là đứa này chạy qua, đứa kia chạy lại để tránh bị "bắt quả tang", bị cho rằng làm cái điều "vô duyên" hoặc rắn mắt bủm tay quăng vào mũi đứa khác.
Bếp còn có món càng cua nướng má bỏ túi hồi chiều lúc làm đồng về. Một hai ba càng gì đó, rồi tính từ dưới đếm lên, tức đứa nào nhỏ sẽ được ưu tiên ăn món càng cua nướng. Đứa được ăn sẽ lại vừa ăn vừa hỏi rồi con cua sống sao vì thiếu một cái càng, nó có mọc lại được không? Đứa lớn có khi quay qua kí đầu em mình, vì đã được ăn mà còn bận rộn.
Cái bếp vậy mà giữ nhiều bí mật. Bí mật như bữa anh bắt được con tôm, nướng và giúi cho đứa em bắt ăn nhanh thiệt nhanh, sau mới biết con tôm kéo từ vó nhà hàng xóm. Những câu chuyện nhỏ nhặt và riêng tư của nhà, của cái tổ ấm, của những năm tháng ta nương dựa vào và lớn lên.
Hóa ra, nhà, trong sinh khí vậy, lại giữ mãi niềm hăm hở vô ưu và tình yêu miệt mài trong tâm hồn.
Cái tuổi thơ vừa ác liệt vừa đáng yêu ấy giờ đâu rồi nhỉ!