Nhu cầu mua hàng giao tận nhà của người dân TP.HCM tăng vọt kể từ khi TP thực hiện giãn cách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 3-7, Sở Công thương TP.HCM đã tổ chức ba đoàn kiểm tra tại 6 quận huyện trên địa bàn TP.HCM nhằm đánh giá các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống cũng như những chợ đang tạm dừng hoạt động trên địa bàn.
Theo đại diện sở, đoàn kiểm tra tập trung đôn đốc các chợ tăng cường khắc phục các tiêu chí không đảm bảo an toàn và sớm đưa chợ mở cửa hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân. Số lượng các điểm bán bị phong tỏa, tạm dừng đón khách tăng nhanh vì liên quan đến các ca nhiễm COVID-19.
Đến nay vẫn còn gần 60 cửa hàng tiện lợi và 105 chợ đang tạm ngưng hoạt động, trong đó chợ đầu mối Hóc Môn dự kiến kéo dài thời gian đóng cửa đến giữa tháng 7-2021. Dù vậy, tiến độ đưa chợ mở cửa an toàn trở lại vẫn còn nhiều thách thức.
Tính đến hết ngày 2-7, toàn TP.HCM mới có 5 cửa hàng tiện lợi, 3 siêu thị trong danh sách bị phong tỏa vì liên quan ca nhiễm COVID-19 được mở cửa trở lại và một vài siêu thị chuyển sang trạng thái đón khách cả ngày.
Đại diện Sở Công thương TP cho biết gỡ phong tỏa cho các chợ, siêu thị, điểm bán hàng thiết yếu đồng nghĩa cơ hội tiếp cận mua hàng của người dân nhiều hơn, giúp đầu ra cho nông sản, giá thực phẩm thiết yếu được ổn định, do đó, sở đang đôn thúc các chợ nhanh chóng có đánh giá đúng tình hình, tuân thủ các quy định an toàn phòng, chống dịch, sớm đưa chợ hoạt động trở lại bình thường.
Với những chợ đang còn hoạt động, tiểu thương và ban quản lý chợ đã triển khai nhiều cách thức mua sắm để tăng sức mua thị trường.
Theo đại diện ban quản lý chợ Xã Tây (quận 5), chỉ sau vài ngày giới thiệu dịch vụ "đi chợ hộ", hiện mỗi ngày ban quản lý chợ tiếp nhận khoảng 20 đơn hàng nhờ từ người dân.
Phần lớn giá trị đơn hàng 200.000 - 400.000 đồng, với đầy đủ các loại thực phẩm thịt, cá, rau củ. Ban quản lý chợ này vẫn tiếp tục "đi chợ hộ" cho người dân, chỉ cần gọi điện đến là đơn vị sẽ mua đồ và giao tận nơi.
Trong khi đó, các công ty kinh doanh hàng thiết yếu như trứng, thịt gia súc, gia cầm cho biết do ảnh hưởng của dịch nên chưa tính đến phương án triển khai bán hàng lưu động. Tuy vậy, các dịch vụ giao hàng tận nơi ở công ty, khu phố, phường... đã được thực hiện.
Từ các điểm tập kết này, hàng hóa sẽ được chia đến cho người dân khu vực, đặc biệt là những điểm đang bị phong tỏa. Một số doanh nghiệp cũng cho biết đã chuyển hướng lên kênh thương mại điện tử, tiếp cận thêm nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp.
Theo ông Trương Chí Thiện - giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM), do lượng người dân đi chợ ít hơn, đơn vị đã đẩy mạnh hoạt động bán trứng tươi trên trang thương mại điện tử, với lượng tiêu thụ qua kênh này hiện lên tới 10.000 quả/ngày, tăng 200 - 300% so với thời điểm trước dịch.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thịt heo, thịt gia súc đã tăng dịch vụ giao hàng cho khách trong mùa dịch COVID-19 ở những khu vực như TP.HCM khi khách muốn giao tận nhà. Các xe tải sẵn sàng giao hàng tận nơi cho khách hàng sỉ, khách hàng là công ty, doanh nghiệp...
Chợ đầu mối đóng nhiều quầy sạp, lượng hàng về giảm
Nhân viên ban quản lý chợ Xã Tây (quận 5) đi mua hàng giúp người dân
Thông tin từ chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) cho biết hiện đơn vị đã cho giảm hơn 500 sạp hàng ở ngành hàng hoa, đồ khô, chế biến... Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nhu - phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức) - cũng cho biết chợ đã tạm ngưng 10 sạp do có liên quan đến 2 trường hợp dương tính COVID-19.
Tuy vậy, theo ông Nhu, các hoạt động mua bán tại chợ vẫn diễn ra bình thường, những xe hàng hóa nếu đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch COVID-19 vẫn được nhập hàng. Theo các chợ đầu mối, số sạp giảm là những sạp kinh doanh hàng hóa không thiết yếu nên tổng lượng thịt, hải sản, rau củ về chợ giảm nhẹ ở mức 10-15% so với bình thường với chợ Bình Điền đạt 1.700 tấn và Thủ Đức hơn 2.900 tấn/đêm nhưng giá bán vẫn ổn định.
Riêng chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) dự kiến tiếp tục tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đến ngày 15-7, thay vì chỉ đóng cửa đến ngày 4-7 như kế hoạch trước đó. Nhiều thương nhân cho biết chợ đầu mối kéo dài thời hạn tạm nghỉ nhưng nhờ các lò mổ trên địa bàn vẫn hoạt động, thương lái vẫn nhập heo nên hoạt động bán thịt heo tại nhà, giao hàng tận nơi cho khách hàng không bị gián đoạn.
N.Trí