Chợ nổi Cái Răng: Không còn cảnh rác bạ đâu quăng đó

3 năm trước 434
 Không còn cảnh rác bạ đâu quăng đó - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng Sơn (bìa trái) cùng các bạn vẽ thùng rác cho dự án Green River tại Cần Thơ - Ảnh: HOÀNG SƠN

Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, ký ức của Nguyễn Hoàng Sơn (21 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM) đong đầy những ngày xuôi dòng trên chiếc thuyền bán trái cây của cha mẹ. Tình cảm đặc biệt ấy đã thôi thúc Sơn phối hợp cùng 4 bạn trẻ khác lên kế hoạch với mong muốn giảm thiểu tình trạng rác thải nhựa trên các dòng sông.

Nơi đầu tiên được lựa chọn để triển khai hoạt động là chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch với các hoạt động mua bán, sinh hoạt diễn ra tấp nập mỗi ngày. Lượng rác thải nhựa tại đây cũng vì thế mà cao hơn hẳn những nơi khác.

Trả lại màu xanh cho sông

Năm 2019, chương trình Sáng kiến thủ lĩnh khí hậu Việt Nam (VCLI) do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) và Saigon Innovation Hub (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức đã trở thành cầu nối để Sơn gặp gỡ 4 người bạn đồng hành: Bùi Mỹ Nhật (25 tuổi), Trần Thanh Tâm (22 tuổi), Trần Long Hải (23 tuổi) và Huỳnh Ngọc Thái Anh (30 tuổi). 

Đều có chung mục đích giải quyết vấn đề rác thải trên sông, họ đã tập hợp lại và bắt tay vào thực hiện dự án Green River với những giải pháp cụ thể ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tháng 6-2020, dự án Cái Răng Green River 1 chính thức được khởi động với ba hoạt động chính gồm vẽ và tặng thùng rác tái chế cho các hộ kinh doanh trên sông; vận động các ghe, thuyền treo banner ủng hộ bảo vệ môi trường; dùng máy điều khiển từ xa để thu gom rác thải. 

Đối với banner, nhóm bạn lựa chọn các tàu du lịch có kích thước lớn, đông khách để treo nhằm tuyên truyền thông điệp đến nhiều người. 

Một số thùng rác kích thước lớn làm từ vỏ chai nhựa cũng được tặng cho hộ kinh doanh bên bờ sông. Rác sẽ được tập trung tại các thùng này, sau đó xe thu gom rác đến mang đi thay vì "bạ đâu quăng đó" như trước kia.

Cái Răng Green River 1 kết thúc vào tháng 11. Từ đó đến nay, nhóm bạn trẻ của dự án "mẹ" - Green River - vẫn liên lạc với các cô chú tiểu thương ở chợ nổi, và rất vui khi được biết rằng những chiếc thùng rác đã trở thành "người bạn môi trường" của họ.

"Rất nhiều cô chú quan tâm đến vấn đề môi trường, và biết rõ những gì nhóm dự án đang làm. Vấn đề mà họ gặp phải là không được cung cấp đủ công cụ để bảo vệ môi trường một cách bài bản", Hoàng Sơn chia sẻ.

Sáng kiến và cải tiến

Trong hành trình thực hiện dự án, chiếc máy thu gom rác điều khiển từ xa thông qua điện thoại thông minh trở thành cánh tay đắc lực của các bạn trẻ. Đây là sản phẩm của trí tuệ và sự đồng lòng của 5 người bạn, trong đó Thái Anh - hiện đang là giảng viên tại Đại học Cần Thơ chuyên ngành khoa học máy tính - chịu trách nhiệm hoàn thiện thiết kế. 

Những thành viên khác chung tay đóng góp ý tưởng và ý kiến để hoàn thành sản phẩm. Việc thiết kế vi mạch của máy được tin tưởng giao cho Fablab Cần Thơ. Tổng kinh phí chế tạo máy khoảng 7 triệu đồng, được UNICEF tài trợ.

Mỗi chiếc máy thu gom rác sử dụng khoảng 40% nguyên liệu làm từ vật liệu tái chế như bánh răng cũ, khung sắt cũ, động cơ cũ... Các phần căn bản của máy bao gồm phần vỏ, khung xương, động cơ máy và lưới cuộn. Các bạn trẻ kết nối máy với điện thoại di động, điều khiển để máy cuốn rác vào hộc chứa, sau đó chuyển về cho xe thu gom rác.

"Có nhiều thách thức đặt ra trong quá trình làm máy như tìm nguồn nguyên liệu, các vấn đề vận hành như tính toán độ nổi của máy, khả năng cuốn rác của lưới lọc, cách điều khiển máy, chi phí thực hiện...", Sơn chia sẻ.

Với thời gian hoàn thành máy khoảng 3 tháng, hiện nay nhóm đang thực hiện chiếc máy thứ 2 với nhiều cải tiến hơn về ngoại hình và công năng.

"Với sản phẩm sau, chúng tôi thiết kế để máy sử dụng năng lượng mặt trời, dùng 100% inox để chống ăn mòn, nhỏ gọn và dễ lắp ráp hơn. Ngoài ra, máy có kèm camera quan trắc dưới mặt nước và camera HD để nhận diện, phân loại rác. 

Chúng tôi tránh thu gom các rác không mong muốn như lục bình, nhánh cây khô vì chúng gây đầy thể tích chứa", Hoàng Sơn tiết lộ.

Từ những ngày đầu xác định tầm nhìn chung cho dự án, Sơn và các bạn trẻ mong muốn ở những nơi mà Green River đi qua, chất lượng nguồn nước sẽ được cải thiện và không còn tình trạng rác thải nhựa như hiện tại, người dân cũng có ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn. Dù tình hình dịch COVID-19 đã khiến cho nhóm dự án gặp nhiều khó khăn, điều may mắn mà họ nhận được chính là sự hỗ trợ của cộng đồng, với rất nhiều góp ý để hoàn thiện ý tưởng.

Truyền tình yêu cho môi trường

Nguyễn Lê Ngọc Giao (20 tuổi, sinh viên Đại học Cần Thơ), một tình nguyện viên của dự án Green River, cho biết qua những hoạt động, cô học được những kỹ năng làm việc nhóm, được thỏa sức sáng tạo, và trên hết là được truyền cho tình yêu môi trường với lối sống xanh và sạch hơn.

"Chúng tôi đang tiếp tục triển khai dự án Cái Răng Green River 2 với thời gian 5 năm, đồng thời khởi động một dự án khác tại Hội An mang tên Cham Green Ocean để giải quyết nạn rác thải nhựa ở Cù Lao Chàm. Việt Nam là đất nước của những dòng sông. Chúng tôi mong nhìn thấy những dòng sông xanh hơn, bớt rác thải, bởi đó chính là nguồn sống không chỉ của sinh vật mà còn của nhiều con người", Hoàng Sơn bộc bạch.

Trạm Xanh gắn kết người trẻ sống xanh ở Sài GònTrạm Xanh gắn kết người trẻ sống xanh ở Sài Gòn

TTO - Nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM, có một trạm dừng chân mang tên Trạm Xanh, nơi những người trẻ được trải nghiệm, thực hành lối sống xanh, cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường.

Nguồn bài viết