Thợ mộc gấp rút sơn hòm do nhu cầu mai táng người thân chết vì COVID-19 ở Indonesia tăng vọt - Ảnh: REUTERS
Từ ngày 3-7 đến 20-7, các biện pháp kiểm soát COVID-19 được siết chặt hơn trên đảo Java và Bali, Indonesia. Các biện pháp này bao gồm lập nhiều chốt giao thông kiểm tra chặt chẽ về đi lại, cấm nhà hàng, quán ăn phục vụ tại chỗ, cấm các môn thể thao ngoài trời, đóng cửa các ngành nghề không thiết yếu.
Các biện pháp chống dịch có thể kéo dài sau ngày 20-7 để đưa số ca COVID-19 về dưới 10.000 ca/ngày. Mục tiêu này đồng nghĩa với giảm 2/3 số ca nhiễm so với kỷ lục 27.913 ca ghi nhận trong ngày 3-7.
Báo Al Jazeera đưa tin mặc dù người dân được kêu gọi làm việc ở nhà nhưng ngoại lệ dành cho những người đóng quan tài. Trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 tăng, nhu cầu mua quan tài tăng, thợ mộc phải làm việc không ngơi nghỉ dù đây không hẳn là mong muốn của họ.
Thu nhập của anh Suherman, thợ mộc ở Jakarta, tăng thêm 30 USD/tháng so với trước khi xảy ra dịch COVID-19. Thêm tiền nhưng anh không vui. "Thà tôi giảm thu nhập còn hơn. Tôi chỉ mong COVID-19 biến mất", anh nói.
Báo Jakarta Post cho biết các biện pháp kiểm soát "dù muộn màng" của chính phủ vẫn đáng hoan nghênh, vì trong tình cảnh khủng hoảng hiện nay, tất cả biện pháp nhằm giảm thiểu số ca bệnh đều đáng được ủng hộ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, các biện pháp kiểm soát này là quá ít và quá muộn để kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta, cơn ác mộng của nhiều quốc gia trên thế giới do khả năng lây lan nhanh.
Theo Reuters, dự báo hợp lý là số ca bệnh COVID-19 ở Indonesia vẫn sẽ tăng trong vòng 2 tuần tới cho tới khi các biện pháp kiểm soát áp dụng từ 3-7 ở Indonesia phát huy hiệu quả.
Jakarta Post nhận xét không chỉ qua chính sách cụ thể mới nhất hiện nay mà dường như toàn bộ chiến lược chống lại dịch COVID-19 của chính quyền Tổng thống Joko Widodo là theo định hướng bảo vệ nền kinh tế hơn là cứu người.
Chú trọng kinh tế nên bộ trưởng kinh tế mới lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm COVID-19 thay vì nhạc trưởng của ngành y tế. Chú trọng bảo vệ nền kinh tế nên chính phủ từ chối lời kêu gọi phong tỏa nghiêm ngặt, quy mô lớn khi Indonesia bước vào làn sóng dịch thứ hai, lặp lại thảm kịch Ấn Độ 2 tháng trước.
Thiếu các biện pháp mạnh, số ca bệnh tăng lên, nhiều người chết vì không được điều trị dù chính quyền trưng dụng cả bãi đậu xe làm phòng cấp cứu và đẩy mạnh tiêm vắc xin ở những vùng dịch nặng.
Trong 2 tuần qua, COVID-19 đã làm hơn 5.000 người Indonesia chết, trong đó có hàng chục nhân viên y tế. Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia từ đầu dịch đến nay đã lên đến 2,26 triệu với 60.000 người chết.
Jakarta Post khẳng định người dân không đáng bị chết. Họ là công dân cần được chính phủ bảo vệ. Không có phép mầu nào để làm người chết sống lại nhưng chính phủ có thể đưa ra các biện pháp kiểm soát ưu tiên bảo vệ tính mạng người dân trước đại dịch.