Bạn trẻ tham dự các hoạt động của cuộc thi khởi nghiệp để thêm thông tin, cơ hội cho quyết định khởi nghiệp của mình - Ảnh: Q.L.
Diễn đàn trong khuôn khổ hoạt động của Lễ hội thanh niên 2021 lần đầu tiên do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, thu hút nhiều bạn trẻ tham dự trực tiếp và qua các kênh trực tuyến của Đoàn - Hội.
Sinh viên có thể suy nghĩ và khởi nghiệp, tìm cho mình lối đi nhưng tuyệt đối không được bỏ học.
Anh Trần Thanh Tùng
Tuổi nào có thể khởi nghiệp?
Câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm nhất "Tuổi nào có thể khởi nghiệp?", cũng là câu hỏi được một số bạn theo dõi live trên các trang thông tin của Đoàn - Hội gửi về cho khách mời sáng 27-3. Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM) và anh Trần Thanh Tùng (Hài độc thoại Sài Gòn tếu) là hai khách mời cùng chia sẻ tại diễn đàn.
Kể câu chuyện hơn chục lần thất bại với đủ các dự án của bản thân, song anh Thanh Tùng nói chưa từng hối hận vì đã đeo đuổi khởi nghiệp. Khởi nghiệp từ thời sinh viên, bắt đầu bằng câu chuyện mua gấu bông tặng crush (người thầm thương trộm nhớ) nhân lễ tình nhân, sau đó Tùng nhận ra mình thích kinh doanh dù học chuyên ngành khoa học máy tính.
"Bạn sẽ phải chuẩn bị cho mình kiến thức, mối quan hệ, nhất là tập hợp nhiều kỹ năng cần thiết nếu muốn khởi nghiệp. Nếu thất bại, bạn kéo cả đồng đội đi theo khi khởi nghiệp đấy" - anh hóm hỉnh.
Chị Diệu Hằng cho rằng khởi nghiệp không có tuổi. Theo chị, khi trẻ, chọn khởi nghiệp cũng là cách để học từ thực tế bởi khi ấy chưa vướng bận nhiều, lỡ có thất bại (mà thống kê cho thấy phần lớn dự án khởi nghiệp đều thất bại ban đầu), dù "bị thương" cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến người khác.
"Trước 35 tuổi là vùng thoải mái nhất mà nhiều bạn chọn khởi nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, cả cái sai và tích lũy kỹ năng cho mình" - chị Hằng chia sẻ.
Anh Tùng bổ sung khởi nghiệp sẽ ám ảnh bạn cả trong lúc ngủ, giấc mơ và chuẩn bị tâm lý để đối diện áp lực rất lớn.
"Sinh viên có thể suy nghĩ và khởi nghiệp, tìm cho mình lối đi nhưng tuyệt đối không được bỏ học. Là người khởi nghiệp từ thời sinh viên song tôi vẫn hoàn thành, tốt nghiệp đại học vì đó là khoảng tích lũy kiến thức, cả việc minh chứng chuyên môn cho bạn sau này khi làm việc với bên ngoài" - anh Tùng nhấn mạnh.
Chọn cho mình đam mê
Bạn Nguyễn Thành Nhân (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nêu ý kiến: "Sao không phải là khởi nghề và khởi nghiệp mà lại đặt câu hỏi khởi nghề hay khởi nghiệp?" với khách mời. Chia sẻ, chị Diệu Hằng nói tạm coi khởi nghề là bạn chọn đi làm với chuyên môn mình sẵn có, là làm thuê, thì khởi nghiệp một góc nào đó là bạn đang chọn làm chủ.
"Bạn sẽ khởi nghề khi quyết định vào nơi đúng với chuyên môn mình đã học và chuyên sâu với nó. Còn chọn khởi nghiệp, bạn sẽ đi theo đam mê của mình, không chỉ là chuyên môn sẵn có mà phải rất nhiều thứ khác, từ mối quan hệ đến các kỹ năng đều tự học" - anh Tùng bổ sung.
Một bạn xem live trên mạng đặt câu hỏi: "Làm sao biết khi nào nên dừng việc khởi nghiệp?". Thẳng thắn, anh Thanh Tùng nói: "Là khi bạn đã lỗ vốn, mắc nợ thì phải dừng". Tiếp lời, chị Diệu Hằng đặt câu hỏi ngược lại khán giả: "Nếu bạn biết mình đang đi trên con đường xấu và không có khả năng đi tiếp, tại sao không chọn con đường khác?".
Chị Hằng nói thêm: "Chọn đường khác cũng có khi là tạm dừng lại, nghỉ mệt. Bạn bị thương nhưng đừng để chịu đòn chí mạng đến mức không thể đứng dậy được nữa trên con đường khởi nghiệp".
Lời khuyên của cả hai vị khách mời chính là hãy tìm người đồng hành. "Có nhiều người đi trước mà bạn hoàn toàn có thể học hỏi từ họ, hãy tìm người hướng dẫn để họ chỉ bảo kinh nghiệm cho bạn" - chị Hằng nói. Trong khi anh Tùng đưa ra một lời khuyên quen thuộc: "Đứng trên vai người khổng lồ" để học cách họ làm và tích lũy bài học cho bản thân.
Quan trọng là có tinh thần khởi nghiệp
Một bạn trẻ hỏi liệu có đang khởi nghiệp ồ ạt không, hậu quả thế nào? Nếu khởi nghiệp thất bại có phải làm tổn thất nguồn lực xã hội?
Đáp ngay, anh Thanh Tùng nói chưa bao giờ khởi nghiệp là trend cả!
"Nếu ai nói khởi nghiệp là trend, hãy cho mình số liệu chứng minh đi nào. Qua nhiều thất bại để đến được hôm nay, cảm nghiệm cá nhân là khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng nên nếu người người, nhà nhà khởi nghiệp cũng không ảnh hưởng gì đâu vì chỉ người thật sự chịu được áp lực, thật sự giỏi mới trụ lại được" - anh Tùng thẳng thắn.
Nhìn góc khác, chị Diệu Hằng cho rằng không có chọn lựa đúng hay sai mà khi muốn khởi nghiệp, chính bạn phải trả lời được mình đang cần gì, muốn gì. "Tôi nghĩ điều quan trọng là có tinh thần khởi nghiệp, xác định mình là chiến binh khởi nghiệp, sẵn sàng chấp nhận cả thất bại" - chị Hằng nêu ý kiến.