Chị 'Huế thương' trên đất Lào

2 năm trước 144
Chị Huế thương trên đất Lào - Ảnh 1.

Những năm qua, chị Bouathib luôn nỗ lực hướng dẫn các học viên Lào học tiếng Việt, giới thiệu văn hóa Việt Nam và tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt của hai nước Việt - Lào - Ảnh: HÀ THANH

Chị Bouathib khiến những vị khách đến từ Việt Nam cảm thấy người được ví như "đại sứ tiếng Việt" trên đất Lào tự nhiên dễ thương và gần gũi hơn hẳn.

Sự gần gũi đó được tìm hiểu kỹ hơn để biết rằng suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, chị đều cố gắng lồng ghép và giới thiệu cho các bạn người Lào hiểu hơn về tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào.

Phiên dịch chính của Trường ĐH Champasak

Những ngày hoạt động tình nguyện tại Lào, anh Trương Văn An, phó bí thư thường trực Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM, đặc biệt ấn tượng với nữ giảng viên người Lào nói tiếng Việt giọng Huế đã hỗ trợ rất nhiệt tình cho đoàn công tác từ khâu kết nối, công tác hậu cần cho đến đảm đương luôn nhiệm vụ phiên dịch cho đoàn. 

"Chị nghe và nói tiếng Việt giỏi quá, đặc biệt là cách phát âm... rất Huế. Thậm chí, chị còn biết cách đùa vui với mọi người bằng những câu tiếng Việt nghe rất vui tai. Đến nước bạn Lào, được nghe giọng Huế dễ thương và khá hiếm trong số những người Lào biết tiếng Việt khiến đoàn tình nguyện viên Việt Nam ai cũng xúc động, cảm kích trước tình cảm của người dân Lào" - anh An chia sẻ.

Lần đầu gặp gỡ, ai cũng phải ngạc nhiên trước cách phát âm tiếng Việt khá sõi và chất giọng "Huế thương" của chị Bouathib Vilaysack (35 tuổi, hiện là giảng viên dạy tiếng Việt thuộc bộ môn tiếng Việt, Trường ĐH Champasak, Lào). Vậy mà chị lại luôn khiêm tốn: "Mình không giỏi tiếng Việt mấy mô, đôi lúc mình còn nói sai, dịch sai đấy!".

Hơn 12 năm công tác ở trường, chị Bouathib đã có gần 10 năm làm việc bằng ngôn ngữ tiếng Việt. 

Trước đó, khi công việc phải thường xuyên làm việc và giao tiếp với người Việt, chị đã tham gia khóa học dự bị tiếng Việt trong thời gian 9 tháng tại Trung tâm tiếng Việt (thuộc Trường ĐH Champasak), để rồi về sau chị xuất sắc nhận được học bổng toàn phần của Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế dành cho du học sinh Lào và đến Việt Nam học tập. 

Sau 2 năm nỗ lực hết mình trong học tập và nghiên cứu, chị đã hoàn thành xuất sắc luận văn thạc sĩ chuyên ngành lịch sử thế giới và lựa chọn trở về trường tiếp tục công tác giảng dạy.

Hiện nay, chị đảm nhận nhiệm vụ phiên dịch trực tiếp và dịch các nội dung tài liệu ký kết, phối hợp với các đoàn đến thăm và làm việc tại trường.

Điều mình mong muốn nhất là được đóng góp chút sức nhỏ bé cho sự phát triển của tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Thời gian tới, mình mong được đón tiếp nhiều hơn nữa thầy cô giảng dạy tiếng Việt chuyên sâu, mở chương trình trao đổi phương pháp giảng dạy tiếng Việt, kéo dài chương trình tập huấn tiếng Việt...

Chị BOUATHIB VILAYSACK

"Mỗi ngày cố gắng một chút!"

Chị Bouathib thừa nhận đôi lúc công việc phiên dịch cũng khiến chị gặp nhiều khó khăn, như có người Việt nói nhanh nghe không kịp hoặc dùng các câu rất dài. Theo chị Bouathib, giọng nói người Việt lại đa dạng và phong phú theo vùng miền nên cũng có khi gặp khó khăn khi trước đây chị chỉ học tiếng Việt ở khu vực miền Trung. 

Chị kể lần đầu tiên đảm nhận công việc phiên dịch cho hiệu trưởng của một trường ĐH lớn ở TP.HCM đến Champasak làm việc. Ban đầu chị rất căng thẳng, không biết phải đón tiếp thế nào, dịch trực tiếp sợ sẽ không dịch sát..., nhưng sau lần dịch đó mọi việc diễn ra thuận lợi, trơn tru hơn, được mọi người động viên nên thoải mái và tự tin hơn để theo đuổi công việc.

Để làm tốt công việc, trước khi đoàn đến làm việc chính thức, chị Buoathib sẽ đi "tiền trạm" trò chuyện trước với thành viên đoàn công tác để hiểu hơn về văn hóa, cách thức làm việc của các đoàn, đồng thời tự tìm kiếm tài liệu, nội dung chuẩn bị trước cho buổi làm việc. 

"Công việc vất vả nhưng mỗi ngày cố gắng một chút. May mắn trong quá trình học tiếng Việt, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người bạn Việt Nam, các thầy cô giáo ở Việt Nam" - chị trải lòng.

Không chỉ được học tập tại Huế, nói giọng "rất Huế", chị Bouathib không ngừng tự trau dồi vốn từ, vốn kinh nghiệm của bản thân bằng cách làm quen với nhiều giọng nói đến từ các vùng miền, các dân tộc khác nhau. 

Chị bật mí bí kíp để học tốt tiếng Việt là thường xuyên nghe nhạc Việt, các chương trình tivi phát tiếng Việt, đặc biệt nghe kênh VTV5 truyền hình tiếng dân tộc để làm quen với giọng nói đến từ các tỉnh thành Việt Nam.

"Qua kênh tivi giúp mình hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, nghe và hiểu rõ hơn tiếng nói của các tỉnh thành, các dân tộc Việt Nam, nắm bắt được thông tin chính trị - kinh tế - xã hội ở các địa phương, nhờ đó giúp mình dễ dàng hơn trong việc nắm bắt, học và hiểu tiếng Việt và có kiến thức thêm cho việc phiên dịch" - chị Bouathib chia sẻ.

Chị Huế thương trên đất Lào - Ảnh 3.

Chị Bouathib trong một lần phiên dịch cho đoàn tình nguyện Việt Nam tại lớp học tiếng Việt - Ảnh: H.THANH

Muốn học tiếng Việt, phải hiểu tính cách người Việt!

Được ví như "đại sứ" tiếng Việt trên đất nước bạn Lào với nỗ lực truyền dạy tiếng Việt cho học viên cùng gần một thập niên gắn bó với tiếng Việt, chị thấu hiểu phần nào khó khăn của việc người Lào theo học tiếng Việt. Trong đó khó nhất với chị có lẽ là từ đồng âm khác nghĩa khi chữ viết, cách đọc giống nhau nhưng ý nghĩa lại khác với nhau.

Ở tỉnh Champasak nơi chị Bouathib sinh sống, xung quanh phần lớn là Việt kiều và con em Việt kiều, có rất nhiều chùa chiền, am tự của người Việt. Chị kể đa số chất giọng người Việt ở vùng này đến từ miền Trung, rất nhiều người sử dụng từ ngữ địa phương. 

Chị Bouathib ví dụ từ "ngã" thì bà con Việt kiều hay dùng là "bổ". Từ khó khăn mà bản thân gặp phải, chị tìm ra phương pháp giảng dạy bằng cách thường xuyên đưa sinh viên, học viên đến giao lưu tại các nơi có nhiều người Việt sinh sống và hướng dẫn cho sinh viên đi chợ bằng tiếng Việt.

Trên giảng đường, với vai trò là giảng viên tiếng Việt, chị Bouathib thường xuyên lồng ghép giới thiệu văn hóa Việt Nam, văn hóa Lào và chia sẻ tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước. 

Cùng với đó, lồng ghép các video clip về ẩm thực, văn hóa, trang phục của người Việt trong các bài giảng nhằm giúp sinh viên, học viên Lào hứng thú hơn với việc học tiếng Việt. "Học tiếng Việt thì phải hiểu tính cách của người Việt trước mới học tốt được" - chị quả quyết.

Nhiều năm nỗ lực học tiếng Việt, chị Bouathib bày tỏ niềm vui nhất là được học hỏi rất nhiều điều từ những người bạn Việt Nam và quan trọng nhất là học được cách làm việc của người Việt.

"Khi đón tiếp những người bạn Việt Nam, từ lãnh đạo, cán bộ đến người dân Việt Nam đến làm việc tại Lào, họ chỉ dẫn cho tôi nhiều điều về tiếng Việt, về cách xử lý tình huống ra sao. Đó là điều bổ ích, tốt nhất cho công việc của tôi. Ngoài công việc thì trong cuộc sống ai cũng rất nhiệt tình, thoải mái vì chúng mình "là anh em một nhà" - chị Bouathib bày tỏ.

Chị Bouathib chia sẻ ngoài công việc bắt buộc thì điều chị mong muốn nhất là được đóng góp chút sức nhỏ bé cho sự phát triển của tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Thời gian tới, chị mong được đón tiếp nhiều hơn nữa thầy cô giảng dạy tiếng Việt chuyên sâu, mở chương trình trao đổi phương pháp giảng dạy tiếng Việt, kéo dài chương trình tập huấn tiếng Việt...

Theo thầy Nguyễn Thái Cường - giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, người có nhiều năm tham gia hoạt động tình nguyện tại Lào, gắn bó với Trường ĐH Champasak và được chị Bouathib gọi là "người bạn Việt Nam" - điều khó khăn nhất mà chị Bouathib hay nói là sinh viên, học viên ở Lào thiếu môi trường để thực hành tiếng Việt. Các tình nguyện viên Việt Nam thường xuyên cùng chị Bouathib hỗ trợ, tương tác với học viên Lào nhiều nhất có thể để trau dồi tiếng Việt.

"Ở trường, học viên, sinh viên học tiếng Việt nghe có đoàn Việt Nam đến là rất mừng, rất háo hức muốn tìm hiểu và lắng nghe giọng nói của người bản xứ. Chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng học tập, hiểu sâu nhất về tiếng Việt để sử dụng đúng hơn về tiếng Việt" - chị Bouathib chia sẻ.

Những kỷ niệm sâu sắc về Việt Nam

Chị kể niềm vui lớn nhất trong những năm tháng học tiếng Việt chính là được gặp gỡ, kết nối với những người bạn, thầy cô đến từ nhiều vùng miền của Việt Nam như TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Đồng Tháp... và thường xuyên trao đổi về cách giảng dạy, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

"Có rất nhiều kỷ niệm trên đất nước Việt Nam mà tôi không giao giờ quên. Được học ở Huế, Đà Nẵng, được đi du lịch ở TP.HCM, được đi tập huấn ở Hà Nội, tham quan các cảnh đẹp Việt Nam... tôi đều được gặp gỡ các thầy cô người Việt vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ tôi từ hỗ trợ chỗ ăn nghỉ, hỗ trợ công việc giảng dạy, phiên dịch. Tôi còn được thầy cô góp ý, nhắc nhở thường xuyên để "luyện" tiếng Việt" - chị bày tỏ.

'Bệnh viện thu nhỏ' trên đất Lào"Bệnh viện thu nhỏ" trên đất Lào

TTO - 14 ngày trên nước bạn Lào, gần 5.000 người dân đã được bác sĩ Việt Nam thăm khám, chăm sóc sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí.

Nguồn bài viết