Chị anh, em tôi: Bên nào nặng hơn?

2 năm trước 152
 Bên nào nặng hơn? - Ảnh 1.

Vợ chồng nên bàn bạc thống nhất mọi chuyện để tránh những mâu thuẫn từ trên trời rơi xuống - Ảnh: T.T.D.

Những việc cứ tưởng cỏn con hóa ra gây rạn nứt.

Ngại không nói, bụng không ưng

Không chỉ là giảng viên ở một trường đại học tại Hà Nội, chị Minh Hồng còn là người được học hành cao nhất của dòng họ với tấm bằng tiến sĩ trong tay. 

Vì vậy, bất cứ chuyện liên quan đến học hành của con cái là bà con, họ hàng dưới quê liên tục réo gọi, thậm chí lên tận nhà, để được nghe chị giải thích, tư vấn. 

Mà nào phải từng chuyện đơn lẻ đâu, toàn là nhờ từ đầu đến cuối, nhờ trọn vẹn cả quy trình. Có khi chị phải giúp cho cả nhóm cả chục người. Nên có người nói vui là chị chuyên đi... giúp sỉ, tư vấn trọn gói.

Nếu như để tham khảo ý kiến ngành học khi đăng ký hồ sơ hay cần sự chỉ dẫn lúc đăng ký nhập học thì chị cũng chẳng nề hà. 

Đằng này, nhiều người còn gọi điện thoại tỏ vẻ trách móc khi con họ không đậu được vào trường nọ trường kia là do chị thiếu nhiệt tình, hay không muốn giúp đỡ người khác, rồi nào là có chút bằng cấp đã quên mất nguồn cội, gốc gác nhà quê. 

Thậm chí không ít người nhất định bảo chị phải phát biểu ý kiến về chuyện tiền trường, tiền hội phụ huynh ở tận đâu đâu...

Thấy chị phải vất vả chuyện ở trường rồi lại thêm bù đầu bởi những chuyện không đâu nên nhiều khi anh Dũng, chồng chị, cũng phát cáu kêu chị cứ bỏ hết đi, mặc ai muốn nói gì thì nói.

Chẳng học cao nhất dòng họ, cũng không công tác trong ngành giáo dục, nhưng anh Hữu Quang (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có nỗi khổ tâm tương tự. 

Do làm công việc nhân sự ở một công ty chuyên sản xuất giày da khá lớn, có nhu cầu tuyển công nhân liên tục nên ban đầu anh có giới thiệu một số người thân quen trong gia đình vô làm việc. Tiếng lành đồn xa, không chỉ người trong gia đình, dòng họ mà cả lối xóm ở quê cũng thay phiên nhau nhờ cậy anh để đưa con cháu họ vô làm.

Đã vậy có người chỉ quen việc đồng áng nên khó thích nghi với công việc áp lực cao, nội quy ràng buộc ... cho nên cứ rơi rụng dần. Người hiểu chuyện thì không nói, nhưng cũng có người ác ý bảo anh là... cò lao động, chắc cũng kiếm chác được gì đó nên mới hăng hái ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng như vậy.

Ngặt nghèo hơn, gia đình anh Tuấn - chị Liên (quận Long Biên) sau hàng chục năm ở nhà thuê mới mua được một căn hộ nhỏ với diện tích khá khiêm tốn. Dù lớn hay nhỏ, anh chị vẫn thấy vui vì ít ra đó cũng là nhà mình. 

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì bao chuyện phiền phức ập tới kể từ khi ở quê hay tin anh chị sắm được cái cơ ngơi riêng. 

Từ chuyện bà chị ruột của anh gửi lên đứa cháu xin ở để đi học một trường cao đẳng ở gần đó, cho đến việc đứa em trai của chị lên tá túc trong thời gian đi xin việc. Đó là chưa kể đến những cuộc viếng thăm của họ hàng hai bên bất thình lình đến chẳng cần báo ai.

Khách khứa cứ tấp nập trong căn hộ chưa được 50m2 thành ra cũng khá bất tiện trong việc học tập của các con hay chuyện nghỉ ngơi, riêng tư của hai vợ chồng. Nên lắm lúc hai vợ chồng cứ nghĩ ngợi, xem ra cứ ở nhà thuê như trước lắm lúc thế lại hay.

Cãi nhau vì họ hàng

Dù ở thành thị nhưng không phải ai cũng được họ hàng hay người quen biết tin tưởng, cậy nhờ như thế. Nên việc có được khả năng hoặc kiến thức để giúp đỡ, hỗ trợ người khác bao giờ cũng là một vinh dự, là điều đáng quý. 

Với những người tìm đến ở nhờ nhà người quen vài hôm đôi khi là do họ thích như vậy để được chỉ dẫn đường đi nước bước, được an tâm hơn chứ không phải do họ không đủ khả năng đi thuê nhà nghỉ, khách sạn...

Trong thực tế gia đình nào rồi cũng có những lúc phải giúp đỡ họ hàng bên chồng hay bên vợ. Tuy nhiên, nhiều người họ hàng vì được sự giúp đỡ nhiệt tình nên hay nhờ vả. 

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Hai vợ chồng sẽ phải làm gì để vừa không làm mất lòng những người họ hàng, vừa khéo léo từ chối những người thân hay nhờ vả?

Không ít trường hợp chính sự nhiệt tình giúp đỡ người thân mà vợ chồng lại xảy ra mâu thuẫn nhau, thậm chí gia đình lục đục, khi từ chối không được mà giúp đỡ cũng không xong. 

Song chính vì vậy mà vợ chồng cãi nhau, bên thì muốn giúp, bên thì không muốn giúp. Thành ra hai vợ chồng khác quan điểm nhau, tranh cãi với nhau.

Theo các chuyên gia, khi họ hàng có nhờ vả thì hai vợ chồng hãy ngồi lại bàn bạc kỹ lưỡng với nhau trước. Cái nào giúp được thì hãy giúp. 

Còn quá khả năng của vợ chồng hay điều kiện, hoàn cảnh không cho phép thì nên biết cách từ chối khéo để tránh làm mất lòng nhau. Nếu cảm thấy sự nhờ vả ngày một gia tăng thì vợ chồng cần bàn bạc thống nhất với nhau để tìm cách thoái thác mà không làm mất tình họ hàng.

Biết từ chối khi không thuận tiện

Cần xác định làm rõ vấn đề, giúp được thì giúp. Nhưng cũng phải nói rõ giúp như thế nào, giới hạn ra làm sao, và hạn trả nếu là giúp đỡ về tiền bạc. Còn việc nào không nên thì phải từ chối khéo. Nếu quá ôm đồm và cả nể thì sẽ rất khó khăn, nếu lần sau vợ chồng muốn từ chối.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì vợ chồng cũng nên cân nhắc, sắp xếp thời giờ, công việc của gia đình lẫn chuyện "vác tù và hàng tổng" sao cho quân bình và ổn thỏa.

Nếu cần thì cứ từ chối một cách khéo léo khi điều họ hàng nhờ cậy vượt quá khả năng của mình hoặc làm xáo trộn những sinh hoạt của gia đình. Cũng là một cách tốt nhằm tránh được lục đục, mâu thuẫn giữa vợ chồng nhưng nguyên nhân lại từ trên trời rơi xuống.

Giúp vợ giặt quần áo, rửa bát… phải giấu gia đình?Giúp vợ giặt quần áo, rửa bát… phải giấu gia đình?

TTO - Phụ nữ trong giai đoạn nuôi con nhỏ, không thể giặt quần áo, rửa bát, nấu cơm, chồng muốn phụ giúp thì “làm giấu hoặc làm khi không có sự chứng kiến của bố mẹ, anh chị em nhà mình”.

Nguồn bài viết