Minh họa: KIM DUẨN
Bỗng nhiều hôm thấy anh không viết những dòng dí dỏm. Nhiều người vào hỏi, có lẽ vậy, nên sau thời gian dài không đăng gì, anh trở lại với một trạng thái đượm buồn.
"Thời gian qua mình không viết gì vì không thể viết được. Mình mất đi nguồn năng lượng yêu thương. Đó là mẹ...". Tôi đọc và thấy hẫng nhiều nhịp. Ai rồi cũng sẽ đến lúc đối diện với sinh ly tử biệt với người mình thương kính - là ba mẹ, ông bà của mình.
Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
1. Tôi nghĩ ai có sự gắn kết với ba mẹ mình từ nhỏ bằng tình thương, sự chăm sóc, lắng nghe, thấu hiểu, là bạn của nhau thì chắc sẽ rất lâu mới nguôi ngoai được nỗi mất mát lớn này.
Mỗi năm tôi lại đọc được những dòng viết về nỗi đau mất mẹ của một chị đồng nghiệp, chị viết cho chị mà như thể nhắc bao nhiêu người khác đang còn mẹ trong đó có tôi.
"Má mình hồi đó thương mình lắm. Mỗi lần mình làm sai gì, học điểm thấp, má không la mà chỉ khóc. Ai có méc má chuyện mình bướng bỉnh, phá làng phá xóm giống y con trai của mình má cũng khóc.
"Công cụ" nước mắt của má khiến mình dần thay đổi vì mình thương má, không muốn nhìn thấy nỗi buồn đượm trên khuôn mặt, vầng trán má...", chị viết. Dấu ba chấm như một cú nấc nghẹn.
Mỗi người một cách dạy con, chuyển tải tình yêu thương, lo lắng cho con khác nhau nhưng cốt cũng để con mình trưởng thành, vượt qua những xốc nổi của tuổi mới lớn.
Theo năm tháng, khi đến lúc làm ba làm má của người khác thì tự nhiên những đứa con - là ta - sẽ hiểu những khó khăn và tấm lòng của ba má mình. Đó cũng là những gì chị rút ra và thường gửi gắm qua câu chuyện với má chị, cho đến ngày má rời cõi tạm...
"Bây giờ má đã theo ba. Chắc ba vui lắm nhưng mình thì buồn...". Có lẽ có nhiều giọt nước mắt đã rơi khi người viết là chị gõ đến đoạn này.
Tôi đọc mà cứ rưng rưng. Ở tuổi trung niên, thi thoảng lại thấy bạn bè mình để hình đại diện là một màu đen, cái màu của đêm tối mịt mờ ấy dường như mang ý nghĩa báo tin: "Từ nay chủ nhân của Facebook này đã mất đi một bầu trời thương yêu dịu ngọt".
2. Có lẽ nhìn thấy thời gian quá đỗi khắc nghiệt, lấy đi thanh xuân, sức khỏe và cả những người thân nhất bên mình mà vài bữa có ông anh cùng quê lại đăng hình má ảnh.
"Đây là người phụ nữ đẹp nhứt trong mắt tôi" là chú thích cho nét hom hem của người góa phụ ngoài 75 tuổi, đã một mình nuôi ba người con thành danh, có chút địa vị xã hội. Trong mắt anh, mẹ mình luôn đẹp dù da dẻ nhăn nheo, nét đẹp của tình thương bao la.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết trong tác phẩm Bông hồng cài áo (1962) rằng: "Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ". Đó là với những người con trân quý tình mẹ.
Và cũng thật bất hạnh thay khi cuộc đời vẫn có những người con bước qua đạo hiếu để làm đau đấng sinh thành chỉ vì tranh chấp gia tài, vì sự phân chia của hồi môn bất như ý...
Thực ra, ai cũng có lúc lỗi lầm nhưng bất hiếu với mẹ cha là những trọng tội. Trong tôn giáo lẫn pháp luật đều xem đây là tội nặng. Tất nhiên, nó chỉ là cá biệt ở một số rất ít người. Còn lại đa số vẫn là dạt dào yêu thương ba mẹ mình, dù người còn hay khuất.
Ai nghĩ đến ba mẹ như một gia tài lớn nhất thì sẽ biết cách phụng dưỡng với lòng tri ân, báo ân. Họ như một bông hoa thơm ngát khiến ai cũng thương quý, muốn gần và trân trọng!