Chắp cánh ước mơ học trò nghèo xứ Quảng

1 năm trước 145
Chắp cánh ước mơ học trò nghèo xứ Quảng - Ảnh 1.

1,5 tỉ đồng được CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng ủng hộ chương trình năm 2022 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cũng bởi họ hầu hết đều ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng đều bình an qua mùa dịch. Mừng hơn vì vẫn tiếp tục hành trình tiếp sức học trò nghèo xứ Quảng nay đã đi đến mùa thứ 20.

Ông Phạm Phú Tâm - chủ nhiệm CLB - cho biết hai năm vừa qua dù rất khó khăn nhưng công việc hỗ trợ các cháu không ngơi nghỉ. Các suất học bổng dù không được trao trực tiếp nhưng vẫn được tường thuật online, những buổi trao học bổng trực tuyến có điểm cầu chỉ có 4-5 bạn. 

"Mùa thứ 20, công việc của chúng ta vẫn vậy. Mỗi mùa các cháu tựu trường, chúng ta cũng họp mặt để bàn bạc giúp sức cho các cháu khắc phục phần nào khó khăn", ông Tâm nói.

Dù khó khăn và học bổng tăng từ 10 triệu lên 15 triệu đồng nhưng ai cũng đồng lòng. Dự tính CLB sẽ trao 100 suất học bổng cho tân sinh viên quê Quảng Nam - Đà Nẵng. Rất nhiều cô chú đã gắn bó suốt hành trình 20 mùa Tiếp sức đến trường. 

"Thủ quỹ" Kiều Thị Kim Lan, người phụ trách tài chính của CLB, đã tham gia 18 mùa và luôn có mặt ở các buổi họp mặt cũng như lễ trao. Với bà, dù 18 mùa đã qua nhưng mỗi lần trao học bổng là một cung bậc cảm xúc khác.

"Đây là quỹ chung, mỗi năm CLB dùng trao học bổng cho học trò khó khăn học giỏi. Năm nay trao lớp này, năm sau trao cho lớp tân sinh viên khác. 

Nhưng thực tế tại các buổi trao, gặp và trò chuyện thấy hoàn cảnh của nhiều em quá khó khăn nên nhận bảo trợ cho hết bốn năm luôn. Em nào học y các cô chú theo luôn suốt 5-6 năm. Có em học xong, có nguyện vọng học thạc sĩ, các cô chú vẫn tiếp tục hỗ trợ", bà Kim Lan chia sẻ.

70 tuổi, việc giấy tờ, sổ sách cũng có phần làm khó nhưng bà Lan khoe "vẫn cố tự học mỗi ngày để làm". 

Trước đây khi cô còn là giám đốc công ty, phần việc của cô ở CLB được nhiều nhân viên các phòng, ban hỗ trợ. "Kế toán làm giúp sổ sách, lúc chưa có dịch vụ chuyển khoản, tài xế đi thu tiền quỹ giúp. Giờ mình về hưu, ráng tự làm, cái nào khó quá lại đi nhờ vả", cô Lan cười.

Là CLB của những người con Quảng Nam - Đà Nẵng đến TP.HCM lập nghiệp, các cô chú mong có thể góp phần nào cho những học trò nghèo hiếu học quê mình. 

Theo thời gian, CLB ngày càng có thêm nhiều người từ khắp mọi miền đất nước từ lời mời của các thành viên. Ông Phạm Phú Tâm nói không phải ai tới cũng tham gia liền đâu, họ đến dự trao học bổng, thấy mình dùng tiền đóng góp trao đúng người cần giúp, thấy công việc ý nghĩa nên đồng hành. 

Tiền đó chỉ để cho học bổng còn đi lại, ăn ở trong các buổi trao học bổng, mọi người đều tự túc chi phí, không dùng tới tiền đóng góp. Nhờ vậy, nhiều người tin tưởng nên cùng tiếp tay.

Những câu chuyện tạo rung cảm

Mỗi câu chuyện về tân sinh viên xuất hiện trên trang báo, bạn đọc Tuổi Trẻ lại dõi theo, mách nước cho những công dân tuổi 18 trước ngưỡng cửa đại học.

Ngay khi câu chuyện về "cô công nhân bất đắc dĩ" 18 tuổi Nguyễn Thị Thúy (Thanh Hóa) lên báo, nhiều bạn đọc, đơn vị đã nhờ Tuổi Trẻ kết nối với Thúy.

Có trường đại học tại TP.HCM muốn đón Thúy vào học, sẽ có cách hỗ trợ bạn sắp tới. Có bạn đọc nhắn Thúy hãy liên hệ khi xuống Hà Nội học, họ có thể giúp. Và nhiều lời mời như thế.

Nhưng cũng có bạn đọc như Phuong Minh Nguyen tự chất vấn mình: "Thấy xấu hổ với bản thân khi mình có quá nhiều điều kiện thuận lợi mà không có được quyết tâm như cô bé nhỏ nhắn này".

Từng câu chuyện là một gam màu trong bức tranh đa sắc về nỗ lực vượt khó, vươn lên của tân sinh viên. Bạn đọc Trung Võ viết: "Cảm ơn Tuổi Trẻ và các mạnh thường quân đã mở rộng vòng tay yêu thương, tiếp sức cho các em. Những câu chuyện đầy tình người, tạo rung cảm sâu sắc, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, xã hội".

Q.L.

Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng Thầy giáo 14 năm gieo ân tình cho học trò nghèo cùng 'Tiếp sức đến trường'

TTO - Khi 'Tiếp sức đến trường' bước vào năm thứ 19, mùa học bổng thứ 20, thầy Ngô Khắc Vũ (giáo viên Trường THPT Mộ Đức 2, Quảng Ngãi) cũng đã có 14 năm gắn bó với chương trình này.

Nguồn bài viết