Chậm trễ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, FLC giải trình ra sao?

2 năm trước 165
Chậm trễ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, FLC giải trình ra sao? - Ảnh 1.

Sau khi cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, Tập đoàn FLC liên tục trải qua nhiều sóng gió, đến nay vẫn chưa thể tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 - Ảnh: NAM TRẦN

Bà Bùi Hải Huyền - tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) - vừa gửi giải trình đến Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. 

Theo đó, phía FLC cho biết báo cáo tài chính hằng năm là một trong những nội dung thảo luận và thuộc thẩm quyền phê duyệt của đại hội đồng cổ đông thường niên (theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2020).

"Tuy nhiên hiện nay, các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của công ty chưa được phát hành, do công ty chưa tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp trong danh sách các đơn vị kiểm toán được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận để thực hiện việc kiểm toán các báo cáo tài chính", lý do được FLC giải trình.

Doanh nghiệp này cũng hứa hẹn ngay sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu họp trình đại hội đồng cổ đông xem xét sẽ tiến hành triệu tập cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, ngày 30-3, Công ty TNHH kiểm toán - tư vấn Đất Việt, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 của FLC, đã bị Ủy ban Chứng khoán đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Vì vậy báo cáo tài chính năm 2021 của FLC cũng bị "ngâm" và trễ hạn công bố theo quy định. 

Dù FLC cho biết đã gấp rút tìm kiếm đơn vị kiểm toán mới, nhưng trên thực tế vẫn chưa có bên nào chịu đứng ra kiểm toán. 

Mới đây Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng đã ban hành quyết định đưa cổ phiếu của FLC vào diện cảnh báo kể từ ngày 11-7 tới đây. Cổ phiếu của hai công ty khác thuộc "họ FLC" là ROS (Công ty CP Xây dựng FLC Faros) và HAI (Công ty CP Nông dược HAI) cũng bị dính "hình phạt" trên.

Nguyên nhân do đã quá nửa năm kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2021, nhưng đến nay cả ba tổ chức niêm yết trên vẫn chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.

Cũng như FLC, cả Xây dựng FLC Faros và Nông dược HAI đều đưa ra lý do chưa có đơn vị kiểm toán cho báo cáo tài chính năm trước.

Mặc dù bị rơi vào diện cảnh cáo, nhưng cổ phiếu "họ FLC" lại có nhiều diễn biến đáng chú ý. Trong phiên giao dịch ngày 4-7 mới đây, các cổ phiếu được người trong giới đầu tư xếp vào "họ FLC" như FLC, ROS, HAI, KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) và AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone) lại tăng trần, "trắng bên bán".

Cổ phiếu "họ FLC" tăng kịch biên độ trong phiên đầu tuần được cho là có liên quan đến việc Tập đoàn FLC đã tổ chức thành công đại hội cổ đông bất thường lần hai vào 2-7. Ông Lê Bá Nguyên (anh vợ cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết) được ngồi vào "ghế nóng" tân chủ tịch.

Khép lại phiên giao dịch hôm nay 7-7, mặc dù thị trường chung hồi phục, VN-Index chốt phiên giao dịch với mức tăng gần 17 điểm lên 1.166,48 điểm, các cổ phiếu "họ FLC" lại có diễn biến trái chiều, rớt giá.

Trong đó mã FLC có mức giảm sâu nhất (-4,4%) xuống giá 6.020 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại như ROS bị giảm xuống còn 3.140 đồng/cổ phiếu, AMD xuống giá 3.110 đồng/cổ phiếu, ART rớt còn 4.700 đồng/cổ phiếu và KLF đứng giá 3.200 đồng/cổ phiếu.

Trong "rổ FLC", HAI là mã có thị giá thấp nhất, với 2.600 đồng/cổ phiếu.

Anh vợ của ông Trịnh Văn Quyết ngồi Anh vợ của ông Trịnh Văn Quyết ngồi 'ghế nóng' tân chủ tịch Tập đoàn FLC

TTO - Tập đoàn FLC vừa thống nhất bầu ông Lê Bá Nguyên trở thành tân chủ tịch. Đáng chú ý, ông Nguyên từng làm lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ngành y tế, đồng thời là anh vợ của cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết.

Nguồn bài viết