Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giúp người dân phát triển sinh kế bền vững

2 năm trước 201
Chú thích ảnhĐoàn công tác của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tham quan Hợp tác xã Quế hồi Đào Thịnh.

Thay đổi tư duy

Với trên 75 ha rừng trồng, gia đình anh Lê Mai Hiền ở thôn Tân Phong, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, là một trong những hộ trồng rừng với diện tích lớn. Năm 2016, anh Hiền đã tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn của Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (gọi tắt là FFF) do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tài trợ giai đoạn I tại tỉnh Yên Bái với diện tích 5 ha. Thông qua chương trình hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn đã giúp anh Hiền có cách nhìn mới về sản xuất lâm nghiệp bền vững góp phần nâng cao thu nhập.

Theo anh Lê Mai Hiền, trước đây, gỗ rừng trồng đa số tiêu thụ trên thị trường tự do, tự sản, tự tiêu. Từ khi tham gia chương trình FFF, được tập huấn về trồng rừng gỗ lớn, đã góp phần thay đổi tư duy trồng rừng sản xuất, người dân đã hướng đến trồng những cây gỗ có chu kỳ dài, năng suất cao, giá trị kinh tế lớn, để có nguồn thu nhập lâu dài và ổn định.

Xã Tân Nguyên là xã thuần nông; trong đó, có diện tích rừng lớn với trên 2.600 ha. Do vậy, xã xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ quan trọng. Thông qua chương trình hỗ trợ rừng và trang trại đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân bản địa.

Đến nay, trên địa bàn xã đã có hơn 10 hộ gia đình tham gia, với mức hỗ trợ của chương trình là 2 triệu đồng/ha, đã giúp cho người dân thay đổi tư duy, cách làm kinh tế rừng bằng cách tận dụng phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, góp phần nâng cao thu nhập thường xuyên.

Ông Vũ Đức Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên cho biết, sau khi tham gia chương trình FFF, xã đã hỗ trợ 2 hộ dân, đến giờ nhân rộng ra thành hơn 10 hộ, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình tham gia.

Với sự tài trợ của Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại của FAO, trong giai đoạn I của chương trình, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã cấp chứng chỉ sản xuất rừng bền vững với diện tích 1.750 ha; xây dựng 1 xưởng xẻ theo tiêu chuẩn; phát triển 500 ha quế hữu cơ, xây dựng 1 nhà máy chế biến quế tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Trong gia đoạn 2 của chương trình, Ban Quản lý Chương trình FFF tỉnh và Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án tại 4 xã của 2 huyện Trấn Yên và Yên Bình, hỗ trợ các nhóm hộ phát triển mô hình sinh kế; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, thu hái và sơ chế dược liệu, khai thác bảo quản mật ong, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế dưới tán rừng, xây dựng chứng nhận sản phẩm OCOP.

Tham gia Chương trình FFF, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình đã họp khởi động dự án, tập huấn kỹ thuật, đào tạo tay nghề, xây dựng mô hình vườn ươm theo tiêu chuẩn, hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp tục phát triển sản xuất; xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển rừng và trang trại, rừng gỗ lớn, phát triển sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Huệ, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình cho biết, để có chất lượng gỗ đảm bảo nhu cầu của Hợp tác xã cũng như của thị trường thì phải tham gia trực tiếp từ khâu lựa chọn và trồng cây giống, nắm rõ được chất lượng cây thì khi đưa vào cho bà con nhân dân trồng mới đảm bảo tiêu chuẩn.

Phát triển kinh tế rừng bền vững

Chú thích ảnhĐoàn công tác của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Hội Nông dân tỉnh Yên Bái thăm các mô hình trồng rừng và trang trại tại huyện Trấn Yên. 

Được Chương trình FFF tập huấn kỹ thuật sản xuất theo hướng hữu cơ và hình thành các tổ nhóm sản xuất, từ năm 2016, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã thành lập Hợp tác xã Quế hồi với 23 thành viên chính thức và hơn 700 hộ nông dân kí kết tham gia. Trong giai đoạn II, FFF tiếp tục hỗ trợ người dân khả năng tiếp cận thị trường và tài chính cung cấp dịch vụ cho thành viên, thành lập tổ hợp tác dược liệu Đào Thịnh.

Ông Chu Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh - một trong những xã được hưởng lợi từ Chương trình FFF II chia sẻ, đối với Đào Thịnh, Chương trình FFF đã góp sức rất lớn trong việc xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Trấn Yên.

Từ khi tham gia chương trình, toàn bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương đã có cái nhìn rất khác, tư duy có chiều sâu hơn trong làm kinh tế rừng, gìn giữ giá trị văn hóa tinh thần và môi trường. Đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã, họ dần hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm, sự hợp tác, các thành viên cùng nhau góp vốn đầu tư kinh doanh, chế biến tăng giá trị rừng trồng…

Thực hiện Chương trình FFF giai đoạn II, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã duy trì hoạt động của các nhóm nòng cốt tại 4 xã, tổ chức 8 hội nghị bàn tròn cấp xã, 2 hội nghị cấp huyện và 1 hội nghị cấp tỉnh nhằm bàn bạc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất, kinh doanh cho nông dân. Cùng đó, tiến hành 11 cuộc họp triển khai kế hoạch, thực hiện dự án nhỏ trên địa bàn các xã, các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia chương trình. Đồng thời, khảo sát, lựa chọn trao Quỹ tín dụng xanh cho 3 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác.

Ông Hoàng Xuân Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, Phó Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh Yên Bái cho biết, mô hình nông nghiệp hữu cơ, trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp đã mang lại hiệu quả rất tốt cho bà con nông dân tại các cơ sở.

Đặc biệt, từ những hội viên Hội Nông dân, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, những cách làm hay, sáng tạo từ chương trình FFF đã lan tỏa sang cả bà con chưa vào tổ hợp tác, hợp tác xã. Bà con đã thấy được nhiều lợi ích, không chỉ lợi ích kinh tế mà cả lợi ích về sức khỏe con người nên ngày càng có nhiều người đồng hành, muốn tham gia vào chương trình. Đây chính là sự lan tỏa mà FFF hướng đến.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết thêm, bước sang giai đoạn II, Hội Nông dân tiếp tục triển khai các hoạt động tác động đến các thành viên từ tổ hợp tác, hợp tác xã và những người trồng rừng, thông qua các hoạt động, tập trung thúc đẩy người trồng rừng có sự tham gia của cấp hội phụ nữ, đoàn thanh niên cũng như là phát triển rừng thích nghi với biến đổi khí hậu và khai thác các giá trị văn hóa bản địa.

Hiện nay kết quả đạt được là các chuỗi sản phẩm khai thác những giá trị dưới tán rừng như mật ong, lá khôi nhung đang được xây dựng thương hiệu để cấp chứng chỉ OCOP và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Với sự hỗ trợ của chương trình FFF thông qua 2 giai đoạn đã tạo sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất nông lâm nghiệp và hoàn toàn có cơ sở phát triển bền vững đa lợi ích dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có về kinh tế rừng của tỉnh miền núi như Yên Bái.

Nguồn bài viết