Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được vận hành thử trong nhiều ngày qua nhưng chưa thể chính thức vận hành - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Trong văn bản vừa gửi tới Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tiếp tục hỗ trợ nghiệm thu PCCC dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong thời gian tới để bàn giao, đưa dự án vào vận hành trong quý 1-2021.
Theo Bộ GTVT, đơn vị tư vấn giám sát đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh ký hợp đồng tư vấn giám sát với chủ đầu tư từ năm 2010 nhưng đến nay chưa có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC theo quy định.
Ban quản lý dự án đường sắt không hướng dẫn nhà thầu tư vấn giám sát dự án hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng đánh giá đây là nhà thầu tư vấn giám sát nước ngoài có kinh nghiệm trong giám sát các dự án đường sắt đô thị tại Trung Quốc, trong đó có giám sát thi công, lắp đặt hệ thống thiết bị chuyên ngành PCCC.
Điều đáng lưu ý là sau khi trúng thầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh đã không lập văn phòng, chi nhánh tại Việt Nam để thực hiện dự án mà chỉ huy động chuyên gia theo yêu cầu thi công dự án. Do vậy, đơn vị tư vấn giám sát này không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC tại Việt Nam.
Để gỡ vướng cho nhà thầu tư vấn Trung Quốc, Bộ GTVT đã đề nghị Cục Cảnh sát PCCC và CNCH xem xét, chấp thuận chứng chỉ tư vấn giám sát PCCC mà Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh đã được cấp tại Trung Quốc.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã nhiều lần trễ hạn khai thác - Ảnh: GIA TIẾN
Đối với lo ngại về 11 nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xây dựng quá gần nhà dân, thang thoát hiểm các nhà ga quá chật hẹp, cửa thang thoát hiểm nằm trên dải phân cách các trục đường bộ, Bộ GTVT cho biết có những nhà ga nằm cách nhà dân 2 bên đường chưa đến 6m, nhưng đây là công trình phụ trợ, sử dụng vật liệu không dẫn cháy, nên cần rà lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC để xem xét.
Trường hợp rà soát lại hiện trường mà các nhà ga không bảo đảm an toàn PCCC, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với Bộ Xây dựng, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH... bổ sung phương án tường ngăn cháy để bảo đảm an toàn vận hành.
Với các nhà ga Văn Khê, La Khê xây dựng quá gần các cây xăng, Bộ GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội thông báo tạm dừng hoạt động, di dời các cây xăng trước khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Tổng vốn đầu tư đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau điều chỉnh khoảng 868 triệu USD, sử dụng nguồn vay ODA Trung Quốc, với điều kiện vay ràng buộc phải sử dụng nhà thầu, thiết bị xuất xứ Trung Quốc trong xây dựng dự án.