'Chú lính chì' phải cưa chân ngày ôn thi tốt nghiệp đã vào đại học

3 năm trước 251
Chú lính chì phải cưa chân ngày ôn thi tốt nghiệp đã vào đại học - Ảnh 1.

Vừa mới trở về từ bệnh viện, Linh nhận giấy báo trúng tuyển đại học - Ảnh: TÒNG ĐÔNG

Vừa xuất viện trở về, Bạc Cầm Linh nhận giấy báo trúng tuyển ngành công nghệ thông tin Trường đại học Tây Bắc. Niềm vui xua tan nỗi buồn trong căn nhà sàn nhỏ ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La như tiếp thêm sức mạnh cho chàng trai dân tộc Thái sau hơn 1 tháng nằm điều trị ở bệnh viện. 

"Em khỏe, chân đã tạm ổn rồi", kết nối qua màn hình điện thoại Linh khoe vết cắt ở mỏm chân phải không còn đau nhức nữa.

Không ngừng nỗ lực

Bước sang tuổi 18 nhưng Linh nặng chưa đầy 30kg, cao chưa đến 1,5m. Bị u xương bàn chân phải nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhưng suốt 12 năm học phổ thông, "chú lính chì" dũng cảm không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập.

"Lúc nào nó (chân) đau quá thì em xin cô giáo cho nghỉ học và mượn vở các bạn về tự học, em vẫn có thể theo kịp kiến thức dù không bằng việc học trên lớp. Mỗi lần ngồi vào bàn học, em đều nghĩ phải cố gắng thôi, cố gắng vì ba mẹ đã vất vả cho em đi học, chữa bệnh cho em" - Linh bày tỏ.

Nhà không có máy tính, chị Tòng Thị Đông (mẹ của Linh) mua cho con trai chiếc điện thoại có thể kết nối mạng Internet. Từ chiếc điện thoại nhỏ, Linh kết nối với mọi người xung quanh, say mê tìm hiểu kiến thức, tìm các đề thi và học cách giải các đề khó qua mạng. Biết không đủ sức khỏe để theo học những ngành khác, Linh đăng ký nguyện vọng vào ngành công nghệ thông tin ở trường đại học cách nhà 60km.

Những ngày ôn thi nước rút, đầu gối Linh sưng tấy lên, những cơn đau kéo dài hơn trước rất nhiều. Đau đến mức không đi lại được nhưng chàng trai dân tộc Thái vẫn kiên trì ôn luyện, hoàn thành tốt kỳ thi THPT. Thi xong, gia đình khăn gói đưa em vào viện để phẫu thuật cắt bỏ chân phải.

"Bác sĩ bảo chân này không được nữa, phải bỏ chân thôi. Cắt đi rồi nhưng em không buồn đâu, cắt đi mình sẽ không phải chịu đau nữa. Có thể khó đi lại hơn so với các bạn nhưng sau này lắp chân giả thì đi lại được mà" - Linh quả quyết.

Vừa xuất viện về nhà sau gần 2 tháng điều trị, vết thương vẫn chưa lành nhưng hễ ai hỏi han về tình hình sức khỏe, Linh đều nói "không đau đâu" như trấn an người thân, bạn bè xung quanh. 

Trên Facebook, hình ảnh "chú lính chì" Bạc Cầm Linh chỉ còn một chiếc chân trái nở nụ cười trên giường bệnh khiến nhiều bạn bè cảm phục trước tinh thần lạc quan, kiên cường chiến đấu với bệnh tật. "Mong muốn duy nhất của em bây giờ là vết thương lành lại để đi nhập học" - Linh bày tỏ.

"Con cứ học, mọi chuyện để mẹ lo"

Trong căn nhà sàn nhỏ, chị Đông nhớ lại hành trình gian nan cùng con trai chiến đấu với căn bệnh ung thư. Ngày trước, vợ chồng chị lặn lội ôm con trai xuống Hà Nội khám, bác sĩ bảo bệnh này không chữa được, chỉ còn cách cắt bỏ chân. "Nhưng nghĩ cháu còn bé, cắt chân thì tội quá nên lúc đó chỉ đồng ý cho bác sĩ mổ bàn chân. Mổ xong, vợ chồng tôi mang con về nhà cố gắng chạy chữa bằng thuốc nam", chị Đông nhớ lại.

Thế nhưng, bệnh tình của Linh vẫn không thuyên giảm, đi lại rất khó khăn. Từ những năm con học lớp 2, hai vợ chồng đã thay nhau sáng đưa đi, trưa đón con về nhà. Có những lúc thấy con đau quá, anh chị nghĩ hay là cho con học hết lớp 9 rồi khuyên nghỉ học. Nhưng Linh thích học lắm, em xin bố mẹ cho đi học bằng được dù thường xuyên bị cơn đau hành hạ. 

Ngày đi học cấp III phải nội trú, Linh xin bố mẹ mua một cho em chiếc xe lăn để thuận tiện hơn cho việc đi lại. Tích cóp mãi, gia đình cũng kiếm được gần 3 triệu đồng mua xe lăn cho em.

"Mẹ động viên con dù vất vả, khó khăn thế nào cũng cố gắng học, con đi được cứ đi, học được cứ học, mọi chuyện để mẹ lo. Nay con nhận giấy báo trúng tuyển, cả nhà mừng cho em lắm" - người mẹ xúc động chia sẻ.

Nỗi lo nhất của chị lúc này là con trai đang nằm một chỗ chưa đi lại được mà sắp đến ngày nhập học, không biết đến đó Linh có đủ sức khỏe đến làm thủ tục hay không. Người mẹ ấy cũng lo nay nhà khó khăn quá, vừa rồi Linh phẫu thuật dù có bảo hiểm nhưng còn tiền thuốc men, chi phí trang trải ăn uống, nằm viện dài ngày ở viện hết đã mất gần 20 triệu đồng. 

Cũng may có các nhà hảo tâm quyên góp cho Linh được hơn 10 triệu đồng, cộng với số tiền 5 triệu đồng gia đình tích cóp bấy lâu, còn lại bao nhiêu gia đình chạy vạy ngược xuôi để lo nốt chi phí.

Suốt một năm nay dịch bệnh COVID-19 xảy đến, chồng chị không xuống Hà Nội làm thuê làm mướn được nữa, cả gia đình chỉ trông chờ vào vụ sắn cuối năm nay. Chị nhẩm tính mỗi năm chỉ được 1 vụ sắn, nếu được giá sẽ thu về khoảng mười mấy triệu đồng/năm, số tiền đó sẽ được để dành mua thuốc thang, mua sách vở cho con. "Chắc phải đợi đến mùa thu sắn mới trả được nợ. Giờ phải lo cho cháu khỏi cái chân đã, khỏi rồi lại lo tiền đi lắp chân giả cho cháu nữa" - chị Đông lo lắng.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga (giáo viên chủ nhiệm của Linh) tâm sự rất xúc động trước tấm gương hiếu học của em Linh, dù bệnh tật nhưng suốt 12 năm liền luôn cố gắng đạt học lực khá. Cô Nga kể ngày trước khi thấy Linh sức khỏe yếu, thường xuyên bị đau nên gia đình có nguyện vọng cho cháu nghỉ học, nhưng Linh thích học quá nên tự vận động gia đình cho em tiếp tục đến trường.

"Ưu điểm của em là rất hiếu học, chỉ hôm nào đau chân quá mới xin phép cô giáo cho nghỉ 1 - 2 tiết đầu, sau đó vào lớp học tiếp. Biết tin Linh đỗ đại học, cô giáo cùng các bạn động viên em rất nhiều. Trước nay em rất yêu công nghệ, nỗ lực vượt qua khó khăn của bản thân để theo đuổi ước mơ" - cô Nga chia sẻ.

Chú lính chì phải cưa chân ngày ôn thi tốt nghiệp đã vào đại học - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Cô gái mồ côi vào đại học, cả xóm phấn khởi, nể phụcCô gái mồ côi vào đại học, cả xóm phấn khởi, nể phục

TTO - Những ngày này, về xứ dừa Tam Quan, khi hỏi thăm nhà Nguyễn Thị Bích Trâm, ai nấy cũng hào hứng dẫn đường rồi kể thêm nhiều điều đầy tự hào.

Nguồn bài viết