Bạc Cầm Linh cùng người bố xuống Hà Nội để lắp chân giả nhờ món quà của cụ ông ở Đà Lạt - Ảnh: NGUYÊN BẢO
"Thấy lạ lạ, lâu lắm rồi tôi đã quên cách đi bằng hai chân. Nay có chân mới, tôi tập đi hơi đau chút nhưng sẽ cố gắng từng chút". Chứng kiến nụ cười của "chú lính chì" Bạc Cầm Linh (ở Sơn La, sinh viên Trường đại học Tây Bắc), chúng tôi - những người đã theo sát hành trình của Linh - không giấu được niềm hạnh phúc.
"Tôi rất ngưỡng mộ chương trình của báo Tuổi Trẻ tạo điều kiện cho những học sinh, sinh viên nghèo nhưng thông minh và có chí lớn có thể đến trường, học thành tài để tự tạo tương lai tươi sáng hơn cho bản thân và gia đình và gián tiếp đóng góp cho đất nước"
Trích lá thư của cụ Vương Đình Khởi
Tấm lòng từ cụ ông cách xa hơn 1.500km
Một năm trước, văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Đà Lạt đón cụ ông Vương Đình Khởi (ngoài 80 tuổi) đến gửi món quà của một người đã khuất cho nhân vật Bạc Cầm Linh (Trường đại học Tây Bắc) nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2021 của báo Tuổi Trẻ.
Hoàn cảnh gia đình của Linh rất khó khăn, trước ngày thi đại học, bạn phải cưa bỏ một chân vì căn bệnh u xương bàn chân.
Kể từ ngày gặp gỡ báo Tuổi Trẻ, cụ Khởi đã thường xuyên liên lạc, viết email trao đổi với chúng tôi (cụ không nghe được nên không thể gọi điện thoại).
Từ thành phố Đà Lạt, cách xa Sơn La hơn 1.500km, nhưng cụ ông với tấm lòng vàng luôn dõi theo cậu học trò nghèo, với mong mỏi giúp đỡ cho Linh có một chiếc chân giả để tiện đi lại.
Cụ ông Vương Đình Khởi nâng niu tờ báo có bài viết về "chú lính chì" Bạc Cầm Linh - Ảnh: MAI VINH
"Nhìn lại năm 2021, sự kiện nổi bật nhất đối với tôi là bài báo viết về "chú lính chì" ở Sơn La của báo Tuổi Trẻ, như mối duyên lành kết nối tôi với cháu Cầm Linh. Cuộc đời vẫn chứa sẵn những bất ngờ thú vị và đẹp. Điều tôi đặc biệt quan tâm và ước mong tha thiết là trong năm nay, cháu Linh sẽ có được chiếc chân giả phù hợp nhất, để học tập và sinh hoạt bình thường".
Trong thư gửi đến, cụ Khởi luôn mong mỏi một ngày sẽ được nhìn thấy cậu sinh viên tự đi lại bằng đôi chân của mình mà không phải tập tễnh chống nạng nữa.
Không chỉ dừng lại ở lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường, trong suốt năm qua, chúng tôi đã trao đổi thư từ qua lại, kết nối các nguồn thông tin, các nhà hảo tâm và kết nối thông tin từ bác sĩ. Để đến hôm nay bác sĩ thông báo: Đã có thể lắp chân giả cho Bạc Cầm Linh.
Dịp giữa tháng 9, chúng tôi gấp rút kết nối để đưa hai bố con Linh từ Sơn La xuống Hà Nội, với mong muốn bạn có thể tự đi lại bằng đôi chân của mình trước thềm năm học mới.
Hình ảnh Bạc Cầm Linh và người mẹ bên căn nhà sàn ọp ẹp một năm về trước...
Niềm vui đầu năm học mới
Tại Trung tâm Tư vấn và Trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người tàn tật nằm trên con phố Minh Khai, Linh bỏ đôi nạng đã gắn bó nhiều năm nay để làm quen với chiếc chân giả, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên.
Vốn đã quen với đi nạng hoặc đi tập tễnh bằng một chân, nay đi lại thăng bằng trên đôi chân của mình, Linh nói cảm giác rất khó tả, không giấu được niềm hạnh phúc vui sướng.
Linh kể, mới đầu đi nạng, bạn toàn bị bạn bè xung quanh trêu chọc. Đi học hay đi chơi nếu đi chậm quá cũng bị người ta trêu: "Đi nhanh lên, ba chân mà đi chậm thế".
Khi ấy, Linh chỉ biết cười trừ và bước tiếp. Bạn chỉ mong có thể đi lại được bình thường, làm được những điều mà mình muốn làm, chứ không phụ thuộc vào người khác nữa.
...và nụ cười đã xuất hiện trở lại trên gương mặt '"chú lình chì" Bạc Cầm Linh, nhờ mối duyên đặc biệt với cụ ông cách xa hơn 1.500km - Ảnh: NGUYÊN BẢO
"Vui quá, lâu rồi tôi không được bước đi bằng hai chân. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ, cảm ơn ông Khởi và các anh chị đã giúp đỡ cho tôi có chiếc chân giả. Tôi sẽ giữ vững quyết tâm để vươn lên không ngừng, nhờ "lực đẩy" của mọi người, tôi sẽ không ngại theo đuổi tia sáng cuộc đời" - Linh xúc động chia sẻ.
Đưa con vượt đường xa từ Sơn La xuống Hà Nội, anh Bạc Cầm Bỉnh (bố của Linh) chia sẻ cuộc sống gia đình vốn khó khăn, cả nhà quanh năm chỉ trông chờ vào một vụ sắn không đủ tiền lo cho gia đình, lo cho con đi viện.
Do đó, anh quyết định xuống Hà Nội đi làm thợ xây, "thợ đụng", nhận tiền công 300.000 đồng/ngày. Công việc dù vất vả, ngày nào quần áo cũng lấm lem bụi bẩn, khó khăn nhất là phải chịu đựng tiếng máy gầm rú suốt 8 giờ đồng hồ/ngày, nhưng người bố nói vì con, vì gia đình thì có vất vả mấy anh cũng làm.
Thương con, anh cũng từng nghĩ sau này cố gắng gom góp để lắp chân giả cho con, nhưng gia đình nghèo quá chưa biết làm cách nào để xoay trở.
Nay chứng kiến giây phút con trai tự bước đi bằng hai chân, người bố mừng rơi nước mắt: "Cảm thấy mừng cho cháu quá, cháu có đôi chân để đi rồi".
Từ Sơn La, nhận tin con trai đã có chân giả mới, người mẹ vui mừng gọi điện gửi lời cảm ơn đến báo Tuổi Trẻ, cảm ơn cụ ông Vương Đình Khởi và các nhà hảo tâm đã luôn đồng hành cùng gia đình, mang lại cuộc sống mới cho em Linh.
"Cảm ơn tấm lòng của các bác, các anh chị đã đồng hành cùng gia đình tôi. Chúng tôi ở nơi xa xôi cách trở nhưng thấy ấm lòng vô cùng vì được mọi người quan tâm giúp đỡ" - chị Tòng Thị Đông (mẹ của Linh) bày tỏ.