Đoàn công tác của Bộ Y tế về làm việc tại khu vực xuất phát chùm ca bệnh chiều nay 29-4 - Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam cho biết, đến nay đã truy vết 113 trường hợp F1, số F2 khoảng hơn 200 người và hiện đang tiếp tục điều tra, truy vết. Tỉnh xác định việc xét nghiệm truy vết nhanh hết sức cần thiết, trước hết lấy mẫu rộng tại các thôn trong xã Đạo Lý.
Năng lực xét nghiệm của tỉnh được khoảng 400 mẫu/ngày, từ ngày mai có thêm 1 máy xét nghiệm nữa đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, có thể nâng công suất lên đến 1.000 mẫu/ngày. Năng lực xét nghiệm đến thời điểm này là đủ, nhưng nếu số người cần xét nghiệm mở rộng nữa thì Hà Nam khó khăn. Đề nghị Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ.
Hà Nam hiện có 100 máy thở phục vụ điều trị, Hà Nam cũng đề nghị Bộ Y tế cấp thêm vắc xin phòng COVID-19, hiện tỉnh đã được cấp 4.500 liều và mới tiêm được gần 1.500 liều.
Hà Nam đang ở chu kỳ lây nhiễm thứ nhất
"Nếu chúng ta chậm trễ giờ nào là nguy hiểm thêm, chỉ 2 ngày F1 thành F0. Phải truy hết mốc dịch tễ xem các bệnh nhân đi đâu, làm gì. Đề nghị thực hiện theo hướng dẫn bài bản của Bộ Y tế, thực hiện triệt để, nếu không sẽ rất phức tạp" - ông Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết.
Ông Dương đề nghị Hà Nam phải tổ chức giám sát tất cả các trường hợp sốt, ho, đau họng. Những trường hợp này phải cách ly tại nhà, lấy mẫu đơn xét nghiệm ngay, đây là những trường hợp có dấu hiệu chỉ điểm, đặc biệt là tại khu vực lân cận bệnh nhân sinh sống, giao lưu.
Ngay đêm nay 29-4, nhóm chuyên gia sẽ hỗ trợ Hà Nam tập huấn truy vết bệnh nhân.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, đánh giá Hà Nam đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch. Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá và phân tích trình tự gene, nhưng tốc độ lây nhiễm nhanh, mức độ tấn công nhanh, trong thời gian ngắn lây lan ra 8 ca dương tính ở 4 tỉnh thành, tốc độ lây nhiễm là khá cao.
Theo ông Long, hiện ổ dịch này đã liên quan đến nhiều tỉnh thành khác, vì bệnh nhân đi taxi, xe khách, đã có người tiếp xúc bay vào TP.HCM, do đó yêu cầu các địa phương có người đi chung chuyến bay ở Nhật về Đà Nẵng hôm 7-4; đi chung xe khách từ Đà Nẵng về Hà Nam và cách ly chung với bệnh nhân tại khách sạn ở Đà Nẵng phải cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm.
"121 người cách ly cùng bệnh nhân tại khách sạn Alisia ở Đà Nẵng, chúng tôi đánh giá rất nhiều nguy cơ" - ông Long nói. Thực hiện giãn cách xã hội ngay tại xã Đạo Lý, riêng thôn Quan Nhân phải phong tỏa cứng, không có chuyện đi lại giao lưu giữa người này với người khác.
Ngay trong đêm tỉnh phải lấy mẫu toàn bộ 1.068 nhân khẩu của 322 hộ gia đình. Trường hợp F1 phải xét nghiệm mẫu đơn, còn lại xét nghiệm gộp 5 mẫu. Tối 29-4, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, chuyên gia xét nghiệm, sẽ về Hà Nam hỗ trợ về xét nghiệm, cùng với hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Trần Thanh Dương ở lại giúp Hà Nam về công tác truy vết.
"Chúng tôi nhận định dịch ở Hà Nam đang ở chu kỳ lây nhiễm thứ 1, bắt đầu sang chu kỳ 2, nhưng có thể ngày mai, kia, sang chu kỳ tiếp theo thì công tác chống dịch sẽ khó khăn hơn nhiều. Tốc độ lây nhiễm nhanh, phải làm càng nhanh mới kiểm soát được" - ông Long đánh giá.
Chuẩn bị kỹ cơ sở cách ly
Về cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định tất cả F1 phải cách ly tập trung, với F2 tạm thời cách ly tại nhà. Với dịch lần này, xác định tốc độ lây nhiễm nhanh nên phải phòng khi F1 thành F0 thì F2 cách ly tập trung ngay.
Hiện Hà Nam có hai cơ sở cách ly, Bộ trưởng Long yêu cầu phải chuẩn bị kịch bản kỹ cho cơ sở cách ly, giao cho quân đội quản lý, lực lượng y tế chỉ hỗ trợ chuyên môn, tránh trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Về điều trị, trước mắt Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu tiếp tục điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.
Sáng mai 30-4, Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Bệnh viện Bạch Mai sẽ về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam để giám sát và hỗ trợ công tác điều trị, kiểm tra công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly tại một số cơ sở khám chữa bệnh ở Hà Nam, Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ mở nhiều khu vực thuộc cơ sở 2 tại Hà Nam để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi cần.
Bắt buộc đeo khẩu trang
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hà Nam yêu cầu người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, xử phạt hành chính những người vi phạm.
"Hà Nam có ổ dịch nhưng đang ở mức độ chùm lây nhiễm, phản ứng càng nhanh sẽ kiểm soát được dịch" - ông Nguyễn Thanh Long nói và lưu ý khi ngày mai bắt đầu kỳ nghỉ lễ 4 ngày, có nguy cơ dịch lan rộng nếu không tích cực phòng chống từ đầu.