Những cuộc đụng độ giữa quân đội Myanmar và người biểu tình vẫn tiếp diễn - Ảnh: AFP
Theo hãng tin Reuters, Ủy ban Đầu tư Myanmar phê duyệt 15 dự án vào ngày 9-5.
Ngoài dự án nhà máy điện phục vụ nhu cầu địa phương, các dự án được phê duyệt khác thuộc các lĩnh vực như chăn nuôi, sản xuất và dịch vụ.
Thông báo của Ủy ban Đầu tư không có thông tin chi tiết về các công ty đứng sau dự án. Các nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar trong những năm gần đây là Trung Quốc, Singapore và Thái Lan.
Phần lớn năng lượng điện của Myanmar đến từ các dự án thủy điện, nhưng điện khí tự nhiên hóa lỏng ngày càng được xem trọng.
Gói đầu tư được phê duyệt trong bối cảnh phần lớn nền kinh tế Myanmar tê liệt bởi các cuộc biểu tình và đình công kể từ khi quân đội nắm chính quyền vào ngày 1-2.
Đơn vị xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Solutions dự báo nền kinh tế Myanmar sẽ suy giảm 20% trong năm nay.
Hôm qua, chính quyền quân sự Myanmar liệt nhóm Chính quyền thống nhất quốc gia (NUG) của chính phủ đối lập vào danh sách khủng bố, với cáo buộc NUG gây ra các vụ đánh bom và đốt phá.
NUG do các nghị sĩ của chính quyền bị lật đổ hồi tháng 2 lập ra để đối chọi với chính quyền quân sự Myanmar. Đầu tuần, NUG thông báo họ sẽ thành lập Lực lượng phòng vệ nhân dân.
Bên cạnh đó, lực lượng dân quân ở các địa phương cũng được thành lập để đối đầu với quân đội, trong khi các cuộc biểu tình vẫn chưa dừng lại trên khắp Myanmar.
Theo số liệu từ Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị được hãng tin Reuters dẫn lại, đã có ít nhất 774 dân thường thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và 3.778 người bị bắt giữ.
Cũng theo Reuters, chính quyền Myanmar phản đối các con số trên và cho biết có ít nhất 20 thành viên lực lượng an ninh đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Quân đội Myanmar lên nắm quyền vào ngày 1-2 sau khi cáo buộc cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái có gian lận. Ủy ban bầu cử đã bác bỏ cáo buộc của quân đội.