Cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Anthony Fauci - Ảnh: REUTERS
Trao đổi cùng ban giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Fauci xác nhận Mỹ sẽ tiếp tục là thành viên của tổ chức này, đồng thời cam kết hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề từ đại dịch cho đến HIV/AIDS.
"Đây là một ngày tuyệt vời đối với WHO và cho y tế toàn cầu. WHO là mái nhà chung của các quốc gia, và chúng tôi đều vui mừng vì Mỹ đã ở lại mái nhà này", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố.
Anh, Canada, Kenya, Hàn Quốc và Áo (đại diện cho Liên minh châu Âu EU) đã lên tiếng chào mừng sự trở lại của Mỹ, hứa hẹn cùng hợp tác để thắt chặt quan hệ đa phương.
"Tổng thống Biden sẽ đưa ra chỉ thị trong hôm nay, trong đó có đề cập tới ý định của Mỹ về việc gia nhập COVAX, đồng thời hỗ trợ Sáng kiến ACT-Accelerator để đẩy nhanh nỗ lực đa phương trong việc phân phối vắc xin, điều trị và chẩn đoán COVID-19, sự tiếp cận công bằng, hoạt động nghiên cứu và phát triển", ông Fauci tuyên bố.
Sáng kiến ACT - Accelerator là một chương trình hợp tác toàn cầu mới mang tính đột phá, nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối công bằng vắc xin, phương pháp chẩn đoán và trị liệu nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 ở tất cả các quốc gia, bất kể mức thu nhập.
Theo Hãng tin Reuters, trong số 10 sắc lệnh mới, ông Biden sẽ thành lập ủy ban chịu trách nhiệm xét nghiệm COVID-19, để đẩy mạnh công tác xét nghiệm, giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung, thành lập quy chế cho du khách nước ngoài và phân phối nguồn lực đến các cộng đồng thiểu số chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ông Biden cũng cam kết cung cấp 100 triệu liều vắc xin trong vòng 100 ngày đầu nhiệm kỳ. Ông dự tính tăng cường tiêm chủng bằng cách mở rộng đối tượng tiêm vắc xin, như giáo viên và người buôn bán thực phẩm.
WHO cho biết đợt vắc xin COVID-19 đầu tiên dành cho các nước nghèo sẽ được tung ra trong tháng 2.
"Chúng tôi chào mừng Mỹ gia nhập COVAX, vì tiêm chủng cho riêng người dân nước mình vẫn là chưa đủ về cả mặt khoa học và đạo đức. Chúng ta cần chiến dịch tiêm chủng toàn thế giới nếu chúng ta muốn vượt qua đại dịch toàn cầu này", Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Julian Braithwaite tuyên bố.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã cắt đóng góp cho WHO, đồng thời tuyên bố khởi động quy trình rút khỏi tổ chức này trong tháng 7-2021.
Ông Trump cáo buộc WHO "thân Trung" trong các giai đoạn ban đầu bùng phát dịch bệnh. Phía WHO đã bác bỏ cáo buộc này.
Ông Fauci hôm 21-1 tuyên bố sự minh bạch về những ngày đầu của đại dịch là rất quan trọng để chuẩn bị ứng phó.