Nguồn: AFP, Hội đồng Đại Tây Dương, Đại học Oxford. Việt hóa: Duy Linh - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Song để thật sự thoát Nga trong khí đốt, châu Âu vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo tổng hợp của Hãng tin Bloomberg, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tiếp tục giảm trong tuần qua, đánh dấu tuần xuống dốc thứ tư liên tiếp dù vẫn còn cao hơn mức bình thường các năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung khí đốt hóa lỏng (LNG) dồi dào giúp các nước nhanh chóng lấp đầy kho dự trữ dùng cho mùa đông tới.
Lạc quan thận trọng
Hãng tin Reuters của Anh đã sử dụng hình ảnh một đồng hồ áp suất để mô tả tình hình tích trữ khí đốt của châu Âu trước mùa đông. Hình ảnh ấy vừa để diễn tả áp lực mà chính quyền các nước đang phải đối mặt trong việc tìm nguồn cung lấp đầy các kho dự trữ, vừa nói về rủi ro mà những nước này phải đối mặt.
Tính đến ngày 23-9, kim báo trên đồng hồ đạt con số 86,9% trung bình trên cả châu Âu, vượt mục tiêu 80% trước thời hạn gần hai tháng.
Tại một số quốc gia như Bồ Đào Nha, tỉ lệ lấp đầy kho dự trữ thậm chí đã ở mức 100%, hay 98% như Ba Lan. Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu và lệ thuộc vào khí đốt Nga, cũng đã lấp đầy được 91%, trong khi Pháp là hơn 95% tính đến cuối tuần trước.
Đây có thể xem như một thành tựu đáng kể của Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga. Có ít nhất hai nguyên nhân giúp EU lấp đầy được gần 87% kho dự trữ khí đốt (tính đến ngày 23-9).
Thứ nhất, châu Âu đã tranh thủ mùa hè để tăng cường tích trữ khí đốt, thời điểm mà sự cạnh tranh và nhu cầu cho loại năng lượng này khá thấp trên toàn thế giới. Thứ hai, và quyết định hơn cả, chính là nguồn cung LNG dồi dào.
Những tiến bộ của khoa học công nghệ đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành năng lượng. Khi khí đốt tự nhiên được làm lạnh đến nhiệt độ -162oC, chúng sẽ chuyển thành thể lỏng và từ đó có thể đưa lên các tàu chở LNG đi đến khắp nơi trên thế giới mà không phụ thuộc vào việc xây dựng đường ống.
Xác định LNG là chìa khóa để giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, EU đã yêu cầu và khuyến khích các nước thành viên tăng cường tìm nguồn cung LNG thay thế.
Sản lượng LNG toàn cầu - với các nước dẫn đầu là Mỹ, Qatar và Úc - dự kiến đạt tổng cộng 455 triệu tấn vào năm 2022, theo số liệu từ Bloomberg Intelligence. Khoảng 70% trong số này dành cho các khách hàng có hợp đồng dài hạn, 30% còn lại được bán trên thị trường giao ngay toàn cầu.
Điều đó có nghĩa là khoảng 136 triệu tấn LNG trong năm nay sẽ về tay người trả giá cao nhất. Về lý thuyết, có đủ LNG trên thị trường toàn cầu để giúp EU thay thế hoàn toàn khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Rủi ro vẫn còn
Bất chấp kho dự trữ sắp đầy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn đi công du Qatar và Saudi Arabia để bảo đảm nguồn cung không chỉ cho nước ông mà còn cho thế giới. Nhà lãnh đạo Đức dự kiến tới Qatar và gặp các lãnh đạo nước này trong ngày 26-9, sau chuyến đi tới Saudi Arabia và UAE.
Mặc dù đã ký thỏa thuận hợp tác với Qatar về khí đốt và quốc gia này là nước sản xuất LNG nhiều thứ ba thế giới, việc Đức tìm kiếm nguồn cung khác là điển hình cho tư duy "không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ".
Mỹ đã cam kết cung cấp ít nhất 15 tỉ mét khối LNG cho châu Âu trong năm nay, tuy nhiên một vụ hỏa hoạn tại nhà máy LNG ở Texas đã khiến sản lượng xuất khẩu của Mỹ giảm 1/5 trong tháng 6 và chỉ có thể trở lại bình thường sớm nhất vào tháng 11 tới. Các vấn đề từ nguồn cung là một rủi ro mà EU phải chấp nhận, chỉ khác ở chỗ ít hay nhiều.
Với những nước có quan hệ thân thiện, rủi ro đó sẽ giảm bớt, nhưng có hai vấn đề không phụ thuộc nguồn cung mà những nước châu Âu như Đức sẽ phải đối mặt trong ngắn hạn và trung hạn. Đầu tiên là sự cạnh tranh từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc trong những tháng trước mùa đông.
Nhu cầu khí đốt để sưởi ấm từ hai nước này không kém EU nên cuộc cạnh tranh được dự báo sẽ vô cùng khốc liệt, có thể đẩy giá khí đốt tự nhiên tăng vọt trở lại. Thực tế này đã từng xảy ra trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 8 vừa qua, bất chấp đó chưa phải là thời gian cao điểm sử dụng khí đốt.
Vấn đề thứ hai là hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp nhận LNG tại châu Âu. Sau khi được làm lạnh trở thành dạng lỏng, tại điểm đến cần các cơ sở chuyên dụng để đưa nó trở lại dạng khí như ban đầu và hệ thống ống dẫn đến các trung tâm phân phối.
Các cơ sở tiếp nhận LNG nổi có thể là giải pháp tạm thời cho châu Âu trong thời điểm hiện tại. Đức đang đẩy nhanh việc phê duyệt và cấp phép để hai cơ sở nổi như vậy đi vào hoạt động từ mùa đông, Hà Lan cũng lên kế hoạch bổ sung các cơ sở nổi tương tự.
Trung Quốc "góp" LNG cho châu Âu
Trung Quốc thậm chí cũng góp một chân trong việc cung cấp LNG cho châu Âu mùa hè vừa qua, song số lượng và giá trị vẫn còn ở mức khiêm tốn. Các công ty Trung Quốc đã bán 4 triệu tấn LNG trên thị trường quốc tế. Con số này chiếm khoảng 7% lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu trong nửa đầu năm nay.