Số liệu thống kê kể từ khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ 4/10/2001 đến hết năm 2022, cả nước có 38.140 trên tổng số 1.182.722 công trình, cơ sở chưa đáp ứng quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), chiếm khoảng 3,22%; trong đó có tới 66,74% cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC. Tính riêng trong số 38.140 cơ sở chưa đáp ứng quy định PCCC thì có 1.650 chung cư, ký túc xá - chiếm khoảng 4,3%.
Các chuyên gia nhận định, nhu cầu bất động sản tăng cao, loại hình chung cư và nhà cao tầng ngày càng phát triển nhưng thực trạng PCCC vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại nhiều chung cư. Không chỉ sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản mà rất nhiều vụ cháy với thiệt hại lớn xảy ra trong suốt thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn PCCC tại công trình nhà ở cao tầng.
Khảo sát thực tế cho thấy, rất nhiều dự án nhà cao tầng tại các thành phố lớn hiện nay được xây dựng từ khi Luật Phòng cháy và chữa cháy còn đơn giản, sơ sài nên thực trạng PCCC chưa đảm bảo và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khá phổ biến. Cùng với đó là sự chủ quan trong PCCC trong khi tốc độ của chung cư lại gia tăng nhanh chóng theo nhu cầu. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư xây dựng công trình cao tầng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của PCCC mà chủ yếu đối phó với các quy định của pháp luật.
Anh Nguyễn Sơn đang sống tại một chung cư trên phố Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phản ánh, nhiều khi hệ thống PCCC chỉ mang tính hình thức, đối phó. Thỉnh thoảng chuông báo cháy kêu ầm ĩ ngoài hành lang, lúc đầu người dân còn nháo nhác để rồi sau đó biết mới là chuông bị “chập” hoặc Ban quản lý tòa nhà “thử chuông” nên ai cũng bình “chân như vại”. Điều này lặp lại quá nhiều lần khiến báo cháy thành “nhờn”, thật - giả lẫn lộn, không còn tác dụng và sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn thật.
Mới đây, theo Thông tư 149/2020/TT-BCA hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi thì vào ngày 20/2/2023 vừa qua, tất cả những công trình có nguy cơ cháy nổ thuộc diện cơ quan công an phải quản lý (có danh mục loại công trình được công bố) phải được trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố và cập nhật thông tin về hệ thống Cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố - Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (C07).
Thiết bị truyền tin báo sự cố này được hiểu đơn giản là một thiết bị có thể truyền tin qua điện thoại, gắn vào hệ thống PCCC của cơ sở. Thiết bị này sẽ truyền tin thường xuyên đến các điện thoại được cài đặt về tình trạng hoạt động của hệ thống báo cháy. Khi xảy ra cháy, thiết bị này cũng tự động gửi cảnh báo qua mạng đến những nơi cần thiết. Đây được coi là bước tiến lớn trong việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào PCCC.
Trong danh mục các công trình có nguy cơ cháy nổ cao do cơ quan công an quản lý (chung cư, trụ sở của cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, siêu thị…) thì chung cư là loại công trình phải lắp đặt trước tiên. Việc lắp đặt thiết bị giám sát, truyền tin tự động qua mạng tới C07 về tình trạng của hệ thống phòng cháy cũng như sự cố cháy nổ là quy định mới của Bộ Công an.
Mặc dù hạn lắp đặt thiết bị này đã qua, quy định xử phạt cũng đã có hiệu lực nhưng hiện nhiều chung cư chưa lắp đặt thiết bị này; thậm chí, Ban quản trị nhiều tòa nhà cũng chưa cập nhật và không biết về quy định này. Bởi vậy, tình trạng nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng dù đầy đủ các thiết bị PCCC nhưng khi xảy ra sự cố lại không sử dụng diễn ra khá phổ biến.
Là cư dân sinh sống nhiều năm tại một chung cư trên đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chị Phạm Thị Hồng Liên bày tỏ rất mong đợi khi nghe về hệ thống truyền tin báo sự cố này. Bởi thực tế là có nhiều vụ cháy nhưng lực lượng phòng cháy lại chưa nhận thông tin kịp thời. Hệ thống báo cháy ở tòa nhà hay báo cháy giả gây khó cho việc xác định cháy. Nếu hệ thống mới có sự giám sát tình trạng hoạt động của hệ thống PCCC hiện hữu, cùng với thông tin nhanh và chính xác thì những người dân sống ở chung cư sẽ rất yên tâm - chị Liên chia sẻ.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Minh Phương sinh sống tại căn hộ chung cư ở quận Bắc Từ Liêm nhận xét, áp dụng công nghệ vào PCCC là điều cần thiết. Việc biết hệ thống lỗi ở đâu để khắc phục giúp đảm bảo hệ thống PCCC của tòa nhà luôn hoạt động tốt rất quan trọng vì con người không thể kiểm tra thường xuyên tất cả mọi thứ.
Bên cạnh đó, các tòa nhà cần tổ chức, tuyên truyền, vận động người dân tham gia những lớp kỹ năng và diễn tập PCCC thường xuyên. Tránh tình trạng khi xảy ra sự cố cháy, hầu hết người dân đều hoảng loạn và mất bình tĩnh. Đặc biệt, nhiều hộ dân ở các tòa nhà cao tầng còn thiếu kiến thức, kỹ năng để xử lý tình huống trong các vụ cháy - chị Phương nêu vấn đề.
Hàng loạt các Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn liên quan đến an toàn phòng cháy khi đầu tư xây dựng căn hộ đã được ban hành. Theo đó, cần đảm bảo đầy đủ các công trình, thiết bị phòng cháy chữa cháy từ hệ thống ống PCCC, lối thoát hiểm, bình chữa cháy, chuông báo cháy, thang cứu hộ… Ngoài ra, cần kiểm tra định kỳ để đảm bảo chất lượng, độ an toàn trong suốt quá trình sử dụng. Hệ thống PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng rất quan trọng nên không thể làm sơ sài, mang tính đối phó với quy định, quy chuẩn của pháp luật.
Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo sửa đổi Quy chuẩn Quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2022/BXD) với mục tiêu sát thực tiễn hơn, tuy nhiên không vì thế mà giảm nhẹ các yêu cầu về an toàn.
Tiến sỹ Cao Duy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (IBST) từng phản ánh một số khó khăn, bất cập khi hầu hết các ý kiến đóng góp sửa đổi Quy chuẩn 06 đều xuất phát từ góc độ kinh tế chứ chưa hoàn thiên về an toàn cho con người trong phòng cháy. Các chủ đầu tư công trình cần quan tâm đến PCCC ngay từ khi bắt đầu thiết kế và lựa chọn đơn vị tư vấn, thi công đủ năng lực, có chuyên môn phù hợp.
Theo ông Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC), trong PCCC thì “phòng” sẽ tốt hơn “chữa cháy” và Quy chuẩn nên chú trọng nội dung này. “Ở nước ngoài rất chú trọng yếu tố phòng cháy nên khi xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại về tài sản và con người luôn được khống chế ở mức thấp nhất. Nếu phòng chống tốt thì sẽ đảm bảo được an toàn sinh mạng con người tại các công trình. Theo đó, phòng chống cháy cần là tiêu điểm đặt lên hàng đầu ở quy chuẩn sửa đổi” - ông Tuấn Anh phân tích.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, để đáp ứng được tiêu chuẩn PCCC thì chi phí xây dựng, hoàn thiện công trình “đội” lên cao quá khiến chủ đầu tư gặp khó. Đây cũng là bài toán đặt ra cho nhiều chủ đầu tư khi phải “nâng lên - hạ xuống” các chi tiết liên quan đến đầu tư cho PCCC, trong khi đó yếu tố này lại rất quan trọng.
Đại diện cơ quan chức năng trong lĩnh vực này cũng khẳng định, để hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ, việc phòng cháy là quan trọng và cần được ưu tiên hơn công tác chữa cháy. Do đó, các chung cư, tòa nhà cao tầng nên được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chấp hành nghiêm ngặt các quy định về an toàn cháy nổ.
Đồng thời, hệ thống các thiết bị cảnh báo cháy nổ, hỗ trợ chữa cháy cũng cần được bảo trì và giám sát thường xuyên. Hệ thống camera giám sát, hệ thống báo khói, báo cháy nổ cần được trang bị để đảm bảo hiệu quả phòng cháy… Việc nhanh chóng phát hiện sự cố sẽ giúp kịp thời xử lý mọi nguy cơ phát sinh cháy nổ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.