Cháy lớn tại thủ đô Ấn Độ, ít nhất 27 người chết

2 năm trước 334
Cháy lớn tại thủ đô Ấn Độ, ít nhất 27 người chết - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy - Ảnh chụp màn hình Hindustan Times

"Tổng số người chết hiện tại là 27. Việc tìm kiếm cứu hộ đang diễn ra", một quan chức Sở Chữa cháy New Delhi thông tin tối 13-5 (giờ địa phương). Cũng theo quan chức này, có 25 người bị thương gồm cả những người liều mình nhảy ra ngoài khi đám cháy bùng phát.

Truyền thông Ấn Độ dẫn các nguồn tin khác cho biết có tới 40 người bị thương, chủ yếu là bỏng và đang được điều trị tại bệnh viện. Khoảng 60 - 70 người được lực lượng cứu hộ tìm thấy và đưa ra khỏi đám cháy an toàn.

Hiện đám cháy đã được dập tắt sau 7 tiếng chiến đấu của lực lượng chữa cháy với bà hỏa. Hình ảnh từ hiện trường cho thấy khói vẫn còn bốc lên từ các tầng của tòa nhà.

Kênh truyền hình CNN-News18 dẫn lời ông Atul Garg thuộc Cơ quan cứu hỏa New Delhi cho biết tầng ba của tòa nhà vẫn chưa được tìm kiếm và nhiều thi thể có thể sẽ ở khu vực này.

Vụ hỏa hoạn bắt đầu từ tầng một của tòa nhà, nơi có văn phòng của một công ty sản xuất bộ định tuyến và camera an ninh, Đài NDTV dẫn lời quan chức cảnh sát Sameer Sharma cho biết.

Do lửa bùng phát từ tầng một nên việc sơ tán gặp nhiều khó khăn. Theo tờ Hindustan Times, nguyên nhân vụ cháy có thể do chập điện.

Người phát ngôn của cảnh sát New Delhi xác nhận cảnh sát đã bắt Harish Goel và Varun Goel, chủ sở hữu của doanh nghiệp hoạt động ở tầng một tòa nhà.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Ram Nath Kovind đã bày tỏ sự đau buồn trước những thiệt hại về người.

Hỏa hoạn thường xảy ra ở Ấn Độ, nơi luật xây dựng và các tiêu chuẩn an toàn thường bị các nhà xây dựng và người dân xem nhẹ. Năm 2019, một đám cháy do chập điện đã nuốt trọn một tòa nhà khiến 43 người ở New Delhi thiệt mạng.

Hỏa hoạn cướp đi nơi ở của 5.000 người tị nạn tại BangladeshHỏa hoạn cướp đi nơi ở của 5.000 người tị nạn tại Bangladesh

TTO - Trong vòng chưa đầy 2 giờ, ngọn lửa đã phá hủy 1.200 căn lều của người Rohingya ở Bangladesh, một trong những trại tị nạn lớn nhất thế giới.


Nguồn bài viết