Gia đình nhỏ của Duy Tùng - Ảnh: T.PHAN
Anh đã công bố 21 bài báo và 4 bài hội nghị trên các tạp chí và hội thảo quốc tế, chuyên ngành viễn thông.
Xuất thân thuần nông tại một xã thuộc dạng khó khăn nhất huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), Tùng cho biết: "Thời thơ ấu, lũ con nít chúng tôi rong ruổi đường đất giữa núi đồi chập chùng. Người trong xã đa phần dừng ngang sự học, thế hệ anh trai tôi mới có những người đầu tiên bước vào cổng trường cấp III.
Tôi tập cho mình góc nhìn là cuộc sống này luôn thử thách với bất kỳ ai, và sự lựa chọn nào cũng sẽ được và mất. Chẳng hạn lúc làm tiến sĩ mà tôi ở nhà thì được gần vợ con nhưng mình sẽ không còn cơ hội nghiên cứu, trải nghiệm cần thiết cho sự nghiệp lâu dài. Góc nhìn đó khiến mọi sự trăn trở, nỗi buồn nhẹ nhàng hẳn đi.
TS PHAN DUY TÙNG
Trọ học từ 10 tuổi
Do học khá, khi 10 tuổi Tùng được ông bà cho lên huyện trọ học cấp II, rồi cấp III thì tiếp tục lên tỉnh trọ học Trường chuyên Phan Bội Châu".
Xa nhà từ sớm, anh thừa nhận điều đó đem về niềm vui lẫn nỗi buồn. "Điểm cộng" là anh học được cách sống tự lập, đối mặt với khó khăn từ sớm, nhưng "điểm trừ" là có những lúc muốn gắn kết, tâm sự với người thân nhưng bạn không thể. Điều may mắn là do môi trường xung quanh đa số các bạn đều học giỏi và chăm, Tùng buộc luôn phải nỗ lực tối đa, chín chắn hơn.
Tự nhận bản thân thuộc típ người lạc quan nên không nghĩ nhiều về các thất bại từng trải qua, Tùng cho biết có một trải nghiệm lúc đầu tưởng buồn nhưng thật ra vô cùng ý nghĩa.
"Dù gia đình kỳ vọng nhiều, tôi thi rớt một trường đại học có tiếng tại Hà Nội và phải vào nguyện vọng 2 là Đại học Vinh dù số điểm đạt được khá cao. Lúc đầu tôi thấy thất vọng, hoài nghi bản thân vì đã làm người thân thất vọng và định thi lại năm sau, nào ngờ càng học càng thấy hứng thú với chuyên ngành mới. Tôi học tốt dần và thấy bớt nghĩ ngợi. Ngẫm lại thì sự thất bại lại mở ra cho tôi một hướng đi mới tốt đẹp, tôi tin không có cánh cửa nào là duy nhất nếu chúng ta không ngừng nỗ lực", anh cho biết.
Giành được học bổng và có cơ hội trải nghiệm nền giáo dục của nhiều quốc gia, Tùng cho biết song song với cơ hội luôn là thử thách. "Chẳng hạn việc học cao học bằng tiếng Nga. Dù trước đó trường cho chúng tôi học ngôn ngữ một năm nhưng khi vào học năm đầu thì tôi vẫn chỉ hiểu được 20-30% điều các giáo sư, bạn bè trao đổi. Tôi áp dụng phương pháp chọn từ khóa để đoán ý nghĩa trong từng ngữ cảnh, bên cạnh đó thầy cô cũng hiểu và thông cảm nên nói chậm, vẽ hình để chúng tôi hiểu. Mọi thử thách cũng dần trôi qua", Tùng kể.
Nén nỗi buồn xa vợ con
Quãng thời gian nghiên cứu lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Khoa học và kỹ thuật quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cũng thử thách đáng kể.
Ngoài những khó khăn về rào cản ngôn ngữ, môi trường nghiên cứu ở Hàn Quốc có tiếng vô cùng áp lực. Mọi thứ càng trở nên rối bời vào cuối năm 2020, thời điểm Tùng đang ở giai đoạn nước rút cho tấm bằng tiến sĩ và vợ cũng chuẩn bị sinh con ở quê nhà. Do đại dịch, Tùng không thể đón vợ qua, anh cũng không thể về nước vì số ngày cách ly vượt ngày phép... Điều đó khiến mỗi ngày trôi qua đều trở nên nặng trĩu.
"Tôi lần đầu tiên lên chức bố, và tôi biết vợ ở giai đoạn sắp sinh luôn rất mệt mỏi, cần sự động viên từ chồng... vậy mà tôi không làm gì được. Tâm lý của tôi lúc đó không tốt, luôn hoài nghi, căng thẳng và tự hỏi mình đang làm gì thế này?", Tùng nhớ lại. May mắn nhận được sự động viên từ gia đình và vợ, bạn dần vượt qua nỗi buồn, sự căng thẳng để tập trung nghiên cứu, hoàn thành tấm bằng tiến sĩ.
Tưởng chỉ vài tháng mà nào ngờ phải mất gần hai năm để cả gia đình có thể đoàn tụ, Tùng hiện vẫn không quên được những tháng ngày đầy cảm xúc khi trò chuyện qua màn hình với đứa con còn đỏ hỏn. "Vì tôi rất muốn ôm con vào lòng, và vì tôi biết sau này khi con lớn lên không chắc sẽ cần hay luôn ở cạnh bên mình như lúc này", anh chia sẻ.
Hiện Tùng và gia đình nhỏ đang sống tại Phần Lan, nơi đang tiếp tục hành trình nghiên cứu sau tiến sĩ. Tùng cho biết đề tài nghiên cứu về thiết kế các ăngten cho mạng viễn thông thế hệ mới như ăngten trong suốt, ăngten tái cấu hình và các ăngten thông minh… Tham vọng của Tùng là thành lập một nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực viễn thông nhằm đóng góp vào sự phát triển cho các mạng viễn thông thế hệ mới (5G, 6G).
Lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ nên anh mong muốn được đi nhiều, học nhiều để tích lũy kinh nghiệm sau này đóng góp cho cộng đồng nghiên cứu trong nước, góp phần giúp Việt Nam tự chủ công nghệ trong tương lai.